Tìm diệt Bin Laden
Một tối tháng 3/2002, các sĩ quan cao cấp của Lực lượng Đặc nhiệm Phối hợp và lực lượng Thủy Bộ Không phối hợp (SEAL) được triệu tập để cùng xem một đoạn băng video do máy bay không người lái ghi lại được.
Đoạn băng cho thấy một người đàn ông bị tình nghi là trùm khủng bố Osama Bin Laden xuất hiện trong một đoàn xe gồm 3 - 4 chiếc ở Thung lũng Shah-i-Kot, khu vực mà al Qaeda duy trì lực lượng rất mạnh. Đoàn xe khi đó đang tiến tới phía đông giáp biên giới với Pakistan. Đoạn băng video không cho thấy rõ đoàn xe này có mang theo vũ khí hay không và các quan chức quân đội Mỹ cũng không có thông tin tình báo chắc chắn đoàn xe này là al Qaeda.
Tuy nhiên, dựa trên mối nghi ngờ về màu sắc bộ áo trùm màu trắng và sự kính trọng mà những người khác dành cho người đàn ông, phía Mỹ lo ngại rằng Bin Laden có thể lại đang trên đường trốn chạy đi nơi khác, giống như hắn ta đã làm ít tháng trước đó sau một đợt ném bom vào vùng núi Tora Bora vào tháng 12/2001. Quyết định quan trọng được đưa ra: Giết Bin Laden bây giờ và cuộc chiến sẽ kết thúc chỉ sau 6 tháng, và một chiến dịch được phát động với tên gọi “Mục tiêu Kim ngưu”.
Đến chiều ngày 6/3/2002, Trung úy Vic Hyder và hơn 20 binh sĩ của Đội SEAL 6 lên 2 chiếc máy bay trực thăng Chinook để bay tới vùng phía đông của Afganistan với hy vọng trong vài giờ tới, họ sẽ tiêu diệt hoặc bắt được Osama Bin Laden.
Tỉnh Paktia của Afganistan có diện tích tương với ban New Hampshire, với những dãy núi cao 3.000m xen lẫn với những thung lũng khô cằn, nép mình dọc theo biên giới Pakistan. Những dãy núi này là nơi trú ẩn lý tưởng cho các lực lượng phiến quân rút lui vào Pakistan.
Khi những chiếc trực thăng của lực lượng đặc nhiệm tiếp cận với đoàn xe từ phía bắc và phía tây, máy bay phản lực của Lực lượng Không quân đã thả xuống hai quả bom, hất tung đoàn xe và khiến một số người trong đoàn thiệt mạng ngay tại chỗ. Đội đặc nhiệm SEAL 6 không muốn nhiệm vụ của mình tiến triển theo cách này.
Trên chiếc máy bay trực thăng, một số thành viên đã đấu tranh để trì hoãn các cuộc tấn công trên không, cho rằng họ vẫn còn dư thời gian để ngăn cản đoàn xe trước khi nó tới được biên giới Pakistan.
“Lý do mà SEAL 6 tồn tại là để tránh các vụ ném bom sát thương khi không cần thiết” – một cựu thành viên của SEAL 6, người trực tiếp tham gia chiến dịch này cho biết. “Chúng tôi đã nói với họ rằng để chúng tôi tiếp đất và xem xét đoàn xe xem họ có phải là al Qaeda hay không. Nhưng thay vì thế thì họ lại thả xuống vài quả bom”.
Phiến quân biến thành … dân thường
Những quả bom khiến đoàn xe dừng lại bên một khe núi. Những người còn sống sót bắt đầu tìm cách chạy trốn, và qua bộ đàm, Hyder và đội của mình nhận được mệnh lệnh rằng đoàn xe giờ đã nằm trong địa giới “khu vực không hạn chế khai hỏa”.
Điều này có nghĩa các tay súng trên hai chiếc trực thăng Chinook có thể nã đạn vào những người bị đánh giá là “mối đe dọa”, dù họ có được trang bị vũ khí hay không. Đội SEAL 6 không có quyền can thiệp với hoạt động của các tay súng khác trong Lực lượng Đặc nhiệm Phối hợp.
Sau khi nã đạn, hai chiếc Chinook đỗ tách biệt ở hai đầu đoàn xe. Đội đặc nhiệm SEAL 6 dưới quyền chỉ huy của Hyder chia làm hai nhóm. Một nhóm tiến về phía một trong những chiếc xe đã bị phá hủy và nhìn thấy những người đàn ông, phụ nữ và cả một bé gái đã thiệt mạng do thương nặng.
Bên trong xe có 2 khẩu súng máy – một loại vũ khí khá phổ biến ở Afganistan, nhưng không một ai trong số những người đàn ông mặc quần áo theo kiểu chiến binh và cũng không mang theo người bất cứ loại vũ khí nào khác. Cựu thành viên của SEAL nói: “Đó chỉ là những vũ khí thông thường mà các gia đình được sở hữu”.
Sơ đồ đỉnh Takur Ghar – nơi chứng kiến trận đánh khởi đầu cho giai đoạn đầy bạo lực tại Afganistan |
Đội SEAL từ chiếc trực thăng còn lại leo lên đỉnh đồi sau khi phát hiện ra một người đàn ông có vũ trang đã bị trúng đạn của các tay súng từ trực thăng. Khi lên tới đỉnh, những viên chỉ huy không tin vào mắt mình khi nhìn thấy ngoài người đàn ông còn có cả phụ nữ và trẻ con hầu hết đã thiệt mạng hoặc thương nặng. Và họ nhận ra rằng người đàn ông này đã cố gắng để bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em trong đoàn.
Trong khi đó, Hyder và một sĩ quan chỉ huy khác là Monty Heath đi về hướng khác nhau và nhìn thấy một người đàn ông đang bỏ chạy về phía một gờ cát. Heath nổ một phát súng khiến người đàn ông ngã xuống và lăn xuống phía gờ cát bên kia. Hyder sau đó tiến lại gần người đàn ông đã bị Heath bắn trước đó. “Anh ta hình như vẫn chưa chết hẳn, mặt úp xuống đất, lưng quay về phía tôi, và rồi anh ta lăn người. Tôi nổ súng bởi tôi không biết anh ta có vũ khí hay không. Và thế là mọi chuyện kết thúc”.
Thế nhưng một cựu thành viên SEAL khác sau này kể rằng, Hyder đã không kể nốt phần cuối của câu chuyện. Đó là sau khi bắn người đàn ông không có vũ trang này, Hyder còn dẫm nát thi thể anh ta. Heath sau đó đã báo cáo chuyện này lên cấp trên về hành động của Hyder. “Tôi là người có quan điểm khá thoải mái, song tôi vẫn không thể chấp nhận việc một thành viên SEAL xâm phạm thi thể của người khác, nhất là khi anh ta không phải là một chiến binh đối lập”- Monty Heath nói.
Nợ máu trả bằng máu
Dù nhiều người tỏ ra khó hiểu về hành động của Vic Hyder, nhưng nếu ngược về trước 48 giờ, trước khi chiến dịch Mục tiêu Kim ngưu bắt đầu, mọi chuyện sẽ trở nên sáng tỏ hơn. Khi đó, nhóm trinh sát Red Team của Đội đặc nhiệm SEAL 6 đã thiết lập điểm quan sát trên đỉnh Takur Ghar cao 3.000m để có thể quan sát toàn thung lũng Shah-i-Kot, nơi Đơn vị số 10 của Quân đội Mỹ dự định sẽ tấn công sào huyệt cuối cùng của tàn quân al Qaeda tại Afganistan.
Neil Roberts, một thành viên của đội trinh sát SEAL nhảy xuống từ độ cao 3m từ một chiếc trực thăng và bị mắc kẹt ở đó khi chiếc trực thăng bị các tay súng ẩn nấp trên các đỉnh núi phủ tuyết nhắm bắn. Robert đã bị bắn vào đầu ở cự ly gần và tử vong ngay khi trước khi chiếc trực thăng rời khỏi đỉnh núi. Một cuộn băng do máy bay không người lái Predator ghi lại cho thấy sau khi chiếc trực thăng rời đi, một tay súng đứng phía trên thi thể của Roberts và cắt rời đầu anh này.
Cuối cùng, hai đơn vị của lực lượng phản ứng nhanh – một trong số đó do Hyder chỉ huy – đã tới đỉnh Takur Ghar. Trong cuộc đấu súng kéo dài 17 giờ đồng hồ với các tay súng Al Qaeda, thêm 6 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, một số người khác bị thương. Là người chịu trách nhiệm về chiến dịch này, Hyder rất khó chấp nhận sự thật về cái chết của Roberts, nhất là khi xác của Roberts còn bị al Qaeda cắt đầu.
Neil Robert là thành viên đầu tiên của đội SEAL 6 tử trận tại Afganistan, và cũng thành viên lực lượng tinh nhuệ đầu tiên thiệt mạng kể từ sau vụ khủng bố 9/11. Không chỉ ghi nhận hành vi dã man vô nhân tính của những tên khủng bố al Qaeda, cái chết của Roberts còn là đòn giáng mạnh vào niềm tự hào của đội đặc nhiệm “bách chiến bách thắng” của SEAL 6.
Cuộc chiến với sự hi sinh của Neil Roberts sau này được miêu tả trong rất nhiều cuốn sách và các tài liệu báo chí. Nhưng những gì diễn ra trong chiến dịch Mục tiêu Kim ngưu bên Thung lũng Shah-i-Kot với “đòn thù” của Vic Hyder không bao giờ được tiết lộ.
Cái chết của Robert cũng như các chiến dịch sau đó tại miền đông Afganistan trong mùa đông năm 2002 đã để lại ấn tượng không thể phai mờ đối với đội Đặc nhiệm SEAL 6, đặc biệt là với đơn vị trinh sát Red Team. Chính những sự việc xảy ra ngày hôm đó được cho là đã kích hoạt một chương bạo lực khủng khiếp trong lịch sử của SEAL 6 tại chiến trường Afganistan…/.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 95, ngày 13/3/2017)