Ngân hàng Công Thương chi nhánh TP Vinh cuối năm 2018 thắng kiện một chủ tàu ở thị xã Cửa Lò, thu lại con tàu trị giá 11 tỷ đồng (lúc đóng mới); ngoài ra, 8 chủ tàu khác đang bị chi nhánh ngân hàng này khởi kiện.
“Hiện các chủ tàu ở Nghệ An có tổng nợ xấu 180 tỷ đồng (riêng Ngân hàng Công Thương là 73 tỷ đồng), chúng tôi không muốn kiện nhưng để thu hồi số nợ lớn như vậy thì không còn cách nào khác”, một cán bộ ngân hàng nói.
Theo một cán bộ thị xã Cửa Lò (Nghệ An), việc chủ tàu chậm trả nợ có nhiều nguyên nhân khách quan, khi chuyển từ đánh bắt gần bờ ra xa bờ thì chuyên môn, kinh nghiệm ngư dân địa phương còn yếu, buộc phải thuê lao động ngoại tỉnh. Trong khi đó, năm 2017 -2018, nghề lưới vây của tàu đánh bắt xa bờ không hiệu quả do mất mùa cá nổi, thu nhập thấp khiến lao động làm thuê trên tàu bỏ nghề hàng loạt.
Vừa qua thị xã Cửa Lò đã có nhiều buổi làm việc với các ngân hàng và chủ tàu để đốc thúc xử lý các khoản nợ xấu. “Quan điểm của thị xã là kiến nghị các ngân hàng cho giãn nợ để chủ tàu tìm bạn nghề để khai thác tốt hơn, hoặc bán lại tàu cho ngư dân khác”, vị cán bộ này nói.
Đồng tình với kiến nghị nêu trên, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói quy định hiện hành cho phép chủ tàu hoạt động không hiệu quả thì chuyển nhượng lại cho chủ tàu khác có năng lực tốt hơn.
“Chúng tôi đang giao các huyện rà soát hoạt động đánh bắt của các chủ tàu vỏ thép trên địa bàn, nếu ngư dân nào có nhu cầu trả tàu thì sẽ trình UBND tỉnh để thực hiện chuyển nhượng cho người khác”, vị này nói.
Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng cho hay, tỉnh đã báo cáo ra Trung ương tình hình nợ xấu (hơn 200 tỷ đồng) liên quan đến tàu vỏ thép trên địa bàn; kiến nghị xem xét cụ thể những trường hợp chậm trả nợ để gia hạn. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương ven biển thành lập tổ công tác hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ từ ngư dân.
Để tránh rủi ro cho khoản nợ, Chi cục Thủy sản Quảng Nam được yêu cầu không cấp giấy phép khai thác hải sản cho “tàu 67” hết hạn bảo hiểm; biên phòng không cho tàu trong diện này xuất bến nếu không có bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Trong khi đó, tại Quảng Trị, chính quyền địa phương vận động ngư dân chấp hành theo hợp đồng đã ký với ngân hàng, vì đây là hợp đồng dân sự nên tỉnh không thể can thiệp.
Các cơ quan chức năng được giao giám sát tàu cá ra vào cảng, xem xét chủ tàu nào có doanh thu thì yêu cầu trả nợ cho ngân hàng; những ngư dân cố tình không trả nợ thì sau này sẽ không được hưởng các khoản hỗ trợ nhiên liệu của chính quyền.
Ngoài ra, tỉnh tổ chức họp với đại diện ngân hàng và các ngư dân để bàn giải pháp. “Cùng với vận động ngư dân tích cực trả nợ, chúng tôi đề nghị phía ngân hàng cần chia sẻ với bà con. Việc khởi kiện, thu hồi tàu không có lợi cho cả hai phía”, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trả lời báo chí.
Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần.
Tháng 8/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và công bố 21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.
Ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.