Hàng loạt dấu hiệu oan sai trong vụ án phân bón “rởm” tại Sóc Trăng: Bài 1 - Sai sót nghiêm trọng ngay từ khâu giám định

(PLO) - Vụ án vị Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng bị khởi tố sau khi kiểm tra một cửa hàng bán phân bón, hơn hai năm nay vẫn chưa đi đến phán quyết cuối cùng. Dư luận chú ý vụ án không chỉ vì các bị cáo là các cán bộ nhà nước, mà phân bón còn là điều hàng triệu nông dân quan tâm. PLVN đã vào cuộc tìm hiểu sự việc và nhận ra hàng loạt uẩn khúc, vi phạm tố tụng sau vụ án này.

Sau khi tòa tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung, ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7), hai người bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đã có đơn kêu oan đến PLVN.

Ông Châu Hoài Phương cho rằng mình bị oan trong vụ án
Ông Châu Hoài Phương cho rằng mình bị oan trong vụ án

Oan nghiệt từ 198 bao phân bón Con Cò Vàng

Ông Phương là Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ông Thanh là thành viên của Đoàn kiểm tra. Ngày 13/4/2016, Đoàn kiểm tra tại Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên (thị xã Ngã Năm) và phát hiện 3 loại phân bón với số lượng 198 bao do Tập đoàn Con Cò Vàng (TP HCM) sản xuất nhưng chưa cung cấp được chứng từ về hợp chuẩn nên tiến hành lấy mẫu đưa đi giám định.

Kết quả 2 lần giám định tại 2 cơ quan khác nhau cho kết quả 3 mẫu phân không đạt chất lượng. Theo cáo trạng, kết quả lần 2 là cơ sở cuối cùng để xử lý Hồ Mỹ Nhiên nhưng ông Phương “lợi dụng chức vụ” nên đưa mẫu phân bón đi kiểm nghiệm lần thứ 3 dựa vào công văn của nhà sản xuất phân bón là Tập đoàn Con Cò Vàng. Kết quả kiểm nghiệm lần 3 tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP HCM), 3 mẫu phân bón đều đạt chất lượng.

Có kết quả lần 3, ông Phương bị cho là không họp Đoàn kiểm tra mà lập khống biên bản họp và cho tháo niêm phong, trả số phân bón lại cho Hồ Mỹ Nhiên.

Ông Phan Thanh Hoàng – Giám định viên Sở Công Thương cho rằng kết quả lần 3 ngày 27/06/2016 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ không có giá trị pháp lý. Ông Hoàng dựa vào Quyết định 2466 ban hành ngày 17/06/2016 của Bộ Công Thương về việc Trung tâm trên không còn chức năng giám định phân bón.

Cáo trạng cho rằng hành vi trên của ông Phương đã gây thiệt hại cho người sử dụng (người mua phân bón sau khi tháo niêm phong) số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó có 2 hộ nông dân tại thị xã Ngã Năm yêu cầu Hồ Mỹ Nhiên bồi thường 73 triệu đồng.

Trái ngược lại với cáo buộc, ông Phương và ông Thanh nói rằng không có hành vi vi phạm pháp luật, không “lợi dụng chức vụ…”. Họ cho rằng sau khi có kết quả giám định lần 2, Hồ Mỹ Nhiên và Con Cò Vàng vẫn tiếp tục có đơn khiếu nại, khẳng định phân bón là thật. “Để doanh nghiệp tâm phục khẩu phục, không khiếu nại tố cáo kéo dài gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng, tôi mới tổ chức họp và Đoàn kiểm tra đồng ý giám định lần 3”, ông Phương nói.

“Việc giám định lần 3 là do phát sinh tình tiết mới nên cần áp dụng khoản 6 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để giải quyết khiếu nại của nhà sản xuất. Sau khi có kết quả lần 3 thì phân bón đạt chất lượng nên Đoàn kiểm tra liên ngành họp và thống nhất không xử phạt, giải tỏa niêm phong toàn bộ phân bón. Tôi làm đúng công vụ, không phạm tội”, ông Phương nói.

Giám định kiểu “trời ơi”

Trình bày với PLVN, ông Phương và ông Thanh bất bình cho rằng trong vụ án, cơ sở để kết tội rất lỏng lẻo, nhiều giám định kiểu “trời ơi” chưa từng có. Thế nhưng cơ quan tố tụng vẫn dựa vào đó để kết tội.

Giám định phân bón thật hay giả, gây thiệt hại về vật chất và phi vật chất mà CQĐT đưa ra để cáo buộc đều không được thực hiện bởi một Hội đồng giám định nào, vừa thiếu cơ sở pháp lý, vừa phản khoa học. Cụ thể ra sao? Về thiệt hại vật chất, ông Phạm Thanh Sơn – Giám định viên Sở NN và PTNT cho rằng hành vi của ông Phương và ông Thanh gây thiệt hại theo cách tính “khoa học” là 1,8 tỷ đồng (sau này giảm xuống còn 1,2 tỷ). Theo hồ sơ, ông Sơn tính thiệt hại dựa trên bài báo “Tính toán nhu cầu phân bón của cây lúa bằng kỹ thuật ô khuyết” trên một tờ báo ngành Nông nghiệp. Nội dung bài báo nói về kỹ thuật ô khuyết giúp nông dân tính toán được lượng phân bón cần thiết cho cây lúa từng giống lúa, từng mùa vụ… để tránh bón phân thừa hay thiếu nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả phân bón. Bài báo không nói về thiệt hại hoặc giảm năng suất lúa nếu không bón phân theo kỹ thuật ô khuyết.

Ông Sơn dựa vào khối lượng phân bón cho 1ha lúa trong bài báo để suy diễn ra thiệt hại. Ví dụ kỹ thuật ô khuyết nói để đạt 6 tấn thóc/ha cần bón 90kg phân đạm. Ông Sơn suy ra vì phân bón giả khiến 1 ha lúa bị giảm năng suất nên gây ra thiệt hại và từ đó… quy ra tiền.

Đối với bà Khưu Thị Diệu Huyền – Giám định viên Sở Nội vụ, cũng thực hiện việc giám định một mình chứ không hề có Hội đồng giám định, không hiểu từ căn cứ nào mà đưa ra kết luận phi vật chất: “Hành vi của ông Phương làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm giảm uy tín của Chi cục QLTT, hình ảnh người công chức và gây thiệt hại lớn cho người dân”.

Chưa hết, theo ông Phương: “Sau khi Sở Công Thương nhận được đơn tố cáo, đã phân công cho ông Huỳnh Minh Trí - Phó Chánh thanh tra Sở Công Thương đi trưng cầu giám định phân bón và đưa ra kết luận phân bón giả. Nhưng khi giám định không có mẫu phân bón và ông Trí không có chuyên môn về phân bón. Việc kết luận phân bón giả của ông Trí là căn cứ để Sở Công Thương ra kết luận và chuyển hồ sơ sang Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) tỉnh Sóc Trăng. Khi vụ án khởi tố, ông Trí tiếp tục là người giám định và kết luận phân bón là giả. Như vậy là không khách quan. Ông Trí tất nhiên phải bảo vệ kết luận của chính mình”.

Đối với Điều tra viên trong vụ án, ông Phương cho rằng đã có hành vi thiếu trách nhiệm và ra quyết định trưng cầu giám định về phân bón, thiệt hại vật chất và phi vật chất trái với quy định của pháp luật. Ngoài ra, Điều tra viên bị cho là còn “ém” những văn bản có lợi cho ông Phương và ông Thanh.

Chi cục QLTT nói không sai, Sở vẫn quyết quy sai phạm

Hồ sơ trong vụ án này còn có nhiều điểm khác thường. Cáo trạng luôn quy kết hành vi đưa phân bón đi giám định lần 3 là trái quy định theo Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, trong bản trả lời nội dung yêu cầu bổ sung của TAND TP Sóc Trăng, VKS lại nêu: “Nếu Con Cò Vàng (nhà sản xuất) có đơn khiếu nại thì áp dụng Thông tư 29 của Bộ Công Thương để giải quyết”.

Hồ sơ cho thấy, sau lần giám định thứ 2, Con Cò Vàng có đơn khiếu nại và ông Phương chấp nhận giải quyết. Thông tư 29 của Bộ Công Thương lại không nêu số lần giám định để giải quyết tối đa là bao nhiêu. Vì thế, ông Phương cho rằng quyết định đưa mẫu phân bón đi giám định lần 3 là không trái luật.

Cáo trạng luôn nói rằng “phải xử lý Hồ Mỹ Nhiên khi có kết quả giám định lần 2”. Điều này còn chưa rõ ràng. Số phân bón bị nghi là giả được Con Cò Vàng thừa nhận là nhà sản xuất và khẳng định là phân bón thật. Hồ Mỹ Nhiên chỉ là nhà phân phối. Như vậy, nếu phân bón trên là giả thì cũng không thể “xử lý” Hồ Mỹ Nhiên.

Trước khi hành vi của ông Phương bị Sở Công Thương kết luận là sai phạm, Chi cục QLTT đã từng có văn bản trả lời: “Khi xem xét đơn yêu cầu kiểm nghiệm lần 3, Đoàn kiểm tra đã tiến hành họp, bàn bạc và thống nhất cho thử nghiệm. Mẫu thử lần 3 đạt chất lượng, do đó nhận thấy việc làm của Đoàn kiểm tra chưa gây ra hậu quả hay thiệt hại cho Nhà nước, xã hội và người dân”. Tuy nhiên, văn bản này không được đưa vào hồ sơ vụ án. Nghĩa là kết luận của Chi cục QLTT cho thấy ông Phương có bàn bạc, thống nhất với cả Đoàn chứ không hề “lợi dụng chức vụ”.

Các cáo buộc đều nói nông dân bị thiệt hại khi ông Phương và ông Thanh “giải cứu” phân giả cho Hồ Mỹ Nhiên bán ra thị trường. Tuy nhiên, Hồ Mỹ Nhiên lại chứng minh điều ngược lại. Mời bạn đọc xem tiếp bài sau. 

Việc giám định thiệt hại vật chất trong những vụ án như vụ này, theo một chuyên gia pháp lý, phải do Hội đồng giám định thực hiện. Điều này càng phải tuân thủ nghiêm trong các vụ án có tính chất phức tạp, dư luận quan tâm.

Đọc thêm