|
Người tiêu dùng nên cảnh giác với các giao dịch thương mại điện tử |
Thực tế đã cho thấy, trên nhiều website bán hàng hiện nay tại Việt Nam rất dễ để tìm thấy những sản phẩm khuyến mại giảm tới 40, 50% nhưng khi đặt hàng lại bị báo hết hàng. Hay đặt hàng thành công nhưng “nửa đường đứt gánh” do lỗi hệ thống, chất lượng sản phẩm không như hình, giao hàng không đúng thời hạn, thậm chí không giao hàng. Với một số website thương mại điện tử “dởm”, tình trạng này không phải là hiếm, do đó người dùng cần phải hết sức cảnh giác khi giao dịch.
Mặt khác, chúng ta cũng cần nhìn lại vai trò của các cơ quan chức năng trong việc quản lý những chương trình khuyến mại, giảm giá của một số đơn vị. Quy định thì có rồi nhưng xử phạt ra sao thì vẫn phải chờ sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, mà ở đây là Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh. Có lẽ, không chỉ riêng người tiêu dùng trông chờ vào điều này mà ngay cả các đơn vị kinh doanh cùng lĩnh vực cũng mong muốn những quy định của luật pháp được thực thi và đạt được mục tiêu cuối cùng, đó là tạo ra môi trường kinh doanh "sạch" và cùng phát triển bền vững vì quyền lợi chung của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nên nhớ rằng: Hãy làm ăn thực, chất lượng thực, sẽ có khách thực. Làm ăn ảo, chất lượng ảo, sẽ có khách ảo. Bán cho người tiêu dùng 1 để người ta tin dùng mua 10, chứ đừng nên bán cho người ta 10, mất niềm tin và người ta chỉ mắc lừa 1 lần.
Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 81. Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất,buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng : Phạt tiền tử 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định./.