“Đất vàng” ven biển “trùm mền”
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô khởi công xây dựng vào năm 2008 tại thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Hai năm sau, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú - Lăng Cô xin điều chỉnh quy mô dự án lên đến 5.230 tỷ và diện tích sử dụng 292 ha. Dự án được thiết kế gồm 3 hạng mục công trình là khu resort ven biển 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên biểu tượng có diện tích lên đến 17.000m2.
Thế nhưng trên thực tế, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy, việc kiểm kê đền bù đất cho người dân địa phương vẫn chưa xong. Điều này khiến gần 100 hộ dân nằm trong vùng dự án phải luôn sống trong cảnh bất an. Nhiều nghịch lý kéo theo như nhà cửa của người dân xuống cấp, hư hỏng cũng không được sửa chữa xây dựng.
Anh Bùi Quang Hải (40 tuổi, thôn Phú Hải) cho biết, gia đình anh nằm trong khu vực dự án nhưng chưa nhận được tiền đền bù đất đai, nhà cửa. “Dãy nhà sau chưa biết đổ sập lúc nào. Lo sợ tính mạng, đợt đó tôi mua 2 xe đất đến gia cố bờ móng thì ngay lập tức cán bộ xã đến kiểm tra. Cán bộ xã cho rằng nhà tôi đã nằm trong diện thu hồi để giao cho dự án sân golf nên người dân không được sửa chữa. Nếu dự án không làm thì chính quyền và doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho dân sửa chữa nhà cửa, tách thửa”, anh Hải đề nghị.
Cũng trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh cấp giấy phép cho Cty TNHH Một thành viên Bãi Chuối Việt Nam đầu tư với vốn đăng ký 1.636 tỷ trên diện tích 100 ha. Dự án dự kiến xây 100 villa - resort - khách sạn và 70 villa cao cấp. Ngay sau khi Bãi Chuối được cấp phép thì một con đường vào dự án dài 6km chạy quanh núi Hải Vân được đầu tư với kinh phí 40 tỷ từ vốn ngân sách. Năm 2012 con đường này hoàn thành nhưng dự án vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang.
“Nên trả lại đất để dân sản xuất”
Ngoài các dự án “bánh vẽ” trên, hiện một số dự án ở các khu đất vàng ven biển khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vẫn tiếp tục “trùm mền”. Còn phải kể đến dự án Khu Liên hợp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô được khởi công vào năm 2008. Dự án này từng cam kết sẽ hoàn thành vào tháng 12/2009 với quy mô 200 phòng khách sạn, 40 biệt thự đẳng cấp 5 sao, các phòng hội nghị tiêu chuẩn quốc tế và các dịch vụ cao cấp khác, nhưng đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”.
Theo ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô: “Trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn vì thiếu công ăn việc làm mà lượng lớn diện tích đất của thị trấn lại bỏ hoang như thế thì hết sức lãng phí. Phía địa phương đã nhiều lần kiến nghị nếu nhà đầu tư nào có đủ năng lực thì tiếp tục đầu tư trở lại, còn dự án nào không triển khai thì nên trả lại đất để dân sản xuất”.
Vùng ven biển huyện Phú Vang cũng dang dở những dự án du lịch với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec tại xã Phú Thuận. Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam vào năm 2008.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 600 tỷ, bao gồm các khu chức năng như công trình công cộng, dịch vụ thương mại rộng hơn 36ha, khu resort rộng gần 26ha và 10ha còn lại được dành cho khu tái định cư và đất dự trữ phát triển. Theo đó, dự án sẽ xây dựng 743 căn nhà thương mại có diện tích 150m²/căn, 91 căn nhà biệt thự ven biển, 53 căn nhà biệt thự ven phá Tam Giang và 4 tòa nhà là khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp, resort ven biển và khu tái định cư… và dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Dự án từng được người dân nơi đây kỳ vọng là khu nghỉ dưỡng hiện đại bậc nhất vùng biển Thuận An. Thế nhưng, sau khi chủ đầu tư hoàn thành cơ bản phần thô 9 ngôi nhà kiểu mẫu tại đập eo Hòa Duân và 3 căn nhà giáp biển Xuân An thì dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp này “trùm mền” cho đến nay.
Chủ tịch thị trấn Lăng Cô kiến nghị dự án nào không triển khai thì nên trả lại đất để dân sản xuất |
Sẽ chấm dứt với các nhà đầu tư không có năng lực
Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Đến nay, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 88.600 tỷ.
Hiện Khu kinh tế Lăng Cô có 45 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 76.000 tỷ, diện tích sử dụng đất khoảng 1.870ha; trong đó, có 21 dự án hoàn thành đi vào hoạt động (46,6% tổng số dự án), 21 dự án đang triển khai (46,6% tổng số dự án) và 3 dự án chậm tiến độ (chiếm tỷ lệ 6,8% tổng số dự án).
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các dự án triển khai chậm tiến độ là do trong quá trình lập đề xuất dự án đầu tư, nhà đầu tư xây dựng tiến độ chưa phù hợp. Một số nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên không có khả năng triển khai thực hiện.
Từ năm 2011, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh rà soát, làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ và yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ, thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư dự án. Trường hợp đến thời điểm cam kết mà nhà đầu tư không hoàn thành dự án đưa vào hoạt động thì sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.
Tỉnh đã chấm dứt hoạt động 18 dự án với vốn đầu tư khoảng 12.600 tỷ, diện tích đất khoảng 730ha. Hiện trên tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô còn 3 dự án chậm tiến độ, tỉnh đã giao các sở, ngành rà soát hồ sơ và căn cứ pháp lý để tham mưu UBND tỉnh về chủ trương chấm dứt hoạt động dự án.
Với các dự án chậm tiến độ, vượt thời gian gia hạn nhưng có lý do khách quan (do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc lý do bất khả kháng theo quy định) sẽ xem xét giãn tiến độ. Với dự án chậm tiến độ nhưng không có lý do khách quan, bất khả kháng, thì lập thủ tục thực hiện chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi chủ trương đầu tư.
Với các dự án chủ đầu tư đã ký Hợp đồng thuê đất, các đơn vị kiểm tra, lập văn bản xác định hành vi vi phạm của chủ đầu tư do đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa.