Càng bán chạy, càng lắm xe triệu hồi
Chưa năm nào, thị trường xe hơi Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng về doanh số mạnh như năm nay. Chỉ trong 10 tháng, lượng xe bán ra trên toàn thị trường vượt tổng doanh số năm 2014 và đạt mức 185.811 xe. Tuy nhiên cùng với đó là tần suất của các chiến dịch triệu hồi xe do lỗi kỹ thuật cũng tăng lên đáng kể. Từ đầu năm tới nay, nhiều đại gia xe tại Việt Nam (VN) phải ra thông báo triệu hồi hàng nghìn xe lỗi từ tự nguyện tới “bắt buộc”.
Honda là liên doanh có lượng xe cần về xưởng nhiều nhất. Theo thông tin từ nhà sản xuất này, từ 20.11.2015, có khoảng 21.181 chiếc Civic và CR-V tại VN sản xuất từ năm 2006-2011 buộc phải triệu hồi do lỗi túi khí, trong đó gồm 21.171 xe lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc và 10 xe nhập khẩu. Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Honda VN cho biết chiến dịch triệu hồi tại Việt Nam bắt đầu được tiến hành từ ngày 12.10 và hiện liên doanh này đã gửi thông báo tới tất cả các chủ xe. Tuy nhiên, cho tới nay mới có khoảng 3.000 xe được xử lý. Dù vậy, đại diện hãng này cho biết sẽ tiếp tục khuyến cáo khách hàng mang xe tới kiểm tra và xử lý lỗi kỹ thuật nếu có.
Cũng gặp rắc rối với túi khí, vào cuối tháng 8, Toyota VN ra thông báo triệu hồi gần 4.000 xe Corolla nhập khẩu chính hãng và Vios sản xuất trong nước bởi những nguy cơ có khả năng dẫn đến gây sát thương cho tài xế và hành khách. Chiến dịch thu hồi này cũng nằm trong chương trình triệu hồi toàn cầu của Tập đoàn Toyota Nhật Bản dành cho nhiều mẫu xe khác nhau với tổng số lượng hơn 7,9 triệu xe do lỗi túi khí do Cty Takata sản xuất. Có số lượng xe lỗi ít hơn nhưng Mitsubishi, Ford lẫn Nissan cũng đã tiến hành xử lý các trục trặc trên xe theo yêu cầu của tập đoàn mẹ.
Trong khi đó, Suzuki Việt Nam lại xử lý xe lỗi chỉ sau khi có ý kiến phản ánh của nhiều khách hàng trong nước về hiện tượng lỗi phanh.
Người dùng chưa quan tâm đến lỗi xe?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện của Vinastar - nhà phân phối Mitsubishi - cho biết việc tiến hành triệu hồi xe lỗi là trách nhiệm của nhà sản xuất và về nguyên tắc, nhà sản xuất phải liên hệ thông báo tới từng khách hàng để mời họ mang xe tới kiểm tra. Tuy nhiên, ông này cũng cho hay với những xe đời cũ, việc thông báo gặp không ít khó khăn khi xe đã được sang tên đổi chủ. Trên thực tế, tới nay các hãng xe tại Việt Nam đã bớt “dị ứng” với vấn đề triệu hồi và có các động thái rõ rệt hơn để xử lý sự cố. Tuy nhiên, việc tiến hành triệu hồi xe lỗi tại VN thường được tiến hành chậm hơn các Cty mẹ trên thế giới và cũng có trường hợp nhà sản xuất xe trong nước “lờ” đi hoặc tiến hành triệu hồi trong âm thầm vì sợ ảnh hưởng danh tiếng. Ở một góc độ khác, khá nhiều khách hàng VN vẫn còn tâm lý chủ quan với các nguy cơ trục trặc kỹ thuật nên tỉ lệ mang xe tới kiểm tra sau khi có thông báo triệu hồi còn chưa cao.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỷ Hình cho biết: Theo quy trình, Cty sẽ rà soát lại toàn bộ số xe trong diện phải triệu hồi, đồng thời lên danh sách số xe phải sửa chữa các lỗi kỹ thuật về cục. Qua kiểm tra, Cục Đăng kiểm VN sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để khuyến cáo người tiêu dùng đưa xe đến hệ thống đại lý của hãng xe để kiểm tra và khắc phục lỗi nhằm tránh rủi ro không đáng có. Liên hệ với lỗi kỹ thuật của Mecedes Benz, ông Hình cho biết, lý do của đợt triệu hồi này là lỗi ở bộ phận gioăng caosu trong khoang động cơ có khả năng tuột khỏi vách ngăn phụ. Trong một số điều kiện nhất định, các phần bị tuột của đệm caosu có thể tiếp xúc với các chi tiết nóng của động cơ và gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng xe.
Cũng theo đại diện Cục Đăng kiểm VN, toàn bộ hoạt động kiểm tra và khắc phục lỗi sẽ được thực hiện miễn phí. Tuy nhiên có một thực tế là theo ghi nhận từ Cục Đăng kiểm VN, hiệu quả của hầu hết các chương trình triệu hồi với tổng lượng xe lỗi lên đến hàng trăm nghìn chiếc, đều ở mức rất thấp, chỉ khoảng 10-20% số xe phải thu hồi. Người tiêu dùng có tâm lý chủ quan, ngại đưa xe đến thay thế các khiếm khuyết, dù đã nhận được thông báo và khuyến cáo từ nhà sản xuất về những nguy cơ gây mất an toàn trong khi sử dụng. Một lý do nữa cũng được nhiều chuyên gia nêu ra, là gần đây tỉ lệ linh kiện phụ tùng của các hãng xe được đặt hàng từ Trung Quốc chất lượng không đảm bảo, rất có thể là nguyên nhân để xảy ra những sai sót đáng tiếc.