Hàng nghìn bộ phận cơ thể người được xuất khẩu tới ít nhất 45 nước trên thế giới

(PLO) - Theo điều tra, các bộ phận cơ thể từ những người hiến xác là người Mỹ đã được xuất khẩu tới ít nhất 45 nước trên thế giới và mỗi năm có hàng nghìn bộ phận cơ thể người được gửi từ Mỹ ra nước ngoài.
 Trụ sở MedCure.
Trụ sở MedCure.

“Xuất khẩu người Mỹ”

Vào ngày 20/7/2017, một tàu chở hàng của Hồng Kông rời cảng Charleston ở bang South Carolina, Mỹ, chở theo hàng nghìn thùng hàng. Trong số đó có một thùng hàng đặc biệt. Theo bản kê khai, lô hàng đó được chuyển tới Châu Âu, bao gồm hơn 2,7 tấn bộ phận cơ thể người có tổng giá trị là hơn 67.200 USD. Để giữ cho hàng hóa không bị hư hỏng, nhiệt độ trong thùng được duy trì ở mức -20 độ C.

Số bộ phận cơ thể người nói trên do một công ty tên MedCure ở Portland đứng tên gửi đi. Là một công ty chuyên môi giới buôn bán các bộ phận cơ thể người, MedCure thu lợi từ việc phân tách các thi thể được hiến tặng và gửi tới cho các các công ty nghiên cứu và đào tạo y khoa.

Các giấy tờ nội bộ và những bản kê khai hàng hóa của MedCure cho thấy, mỗi năm, công ty này đã bán hoặc cho thuê khoảng 10.000 bộ phận cơ thể từ các những người hiến xác. 20% trong số này được gửi ra nước ngoài. 

Ngoài những lô hàng được gửi tới Hà Lan – nơi MedCure có một trung tâm phân phối – công ty có trụ sở tại bang Oregon này còn xuất khẩu các bộ phận cơ thể tới ít nhất 22 nước khác. Việc vận chuyển thường được thực hiện bằng máy bay hoặc xe tải. 

Ví dụ, theo hồ sơ của công ty, công ty này từng gửi những chiếc xương chậu và chân người tới một trường đại học ở Malaysia; gửi những bàn chân tới một công ty thiết bị y tế ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Những chiếc đầu được chuyển tới các bệnh viện ở Slovenia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. 

Sở dĩ những công ty như MedCure làm ăn khá nhộn nhịp là bởi ở nhiều nước có truyền thống tôn giáo hay luật cấm việc phân tách thi thể người chết. Trong khi đó, Mỹ lại phần lớn không quản lý việc bán các bộ phận thi thể được hiến tặng. Thực trạng này cho phép các công ty như MedCure đẩy mạnh việc xuất khẩu các bộ phận cơ thể người ra nước ngoài trong thập kỷ qua.

Theo thống kê của Reuters, kể từ năm 2008 đến năm 2017, các công ty môi giới buôn bán thi thể người ở Mỹ đã xuất khẩu các bộ phận cơ thể tới ít nhất 45 nước trên thế giới, trong đó có Italia, Israel, Mexico, Trung Quốc, Venezuela và Ả rập Xê-út.

Những thi thể của người Mỹ đã được mang ra nghiên cứu ở các trường y tại những nước thuộc khu vực Carribe. Các bác sỹ phẫu thuật ở Đức cũng đã sử dụng những phần đầu người từ những người chết ở Mỹ để thực hành những kỹ thuật mới. 

Hàng nghìn bộ phận cơ thể như vậy đã được chuyển từ Mỹ ra nước ngoài mỗi năm nhưng con số chính xác không thể tính toán được bởi ở Mỹ không có cơ quan nào theo dõi những lô hàng xuất khẩu như vậy.

Con tàu chở lô hàng đặc biệt đang neo đậu ở Mỹ.
Con tàu chở lô hàng đặc biệt đang neo đậu ở Mỹ.

Hầu hết các văn bản đồng thuận hiến xác, trong đó có các mẫu được MedCure sử dụng cho phép các công ty môi giới phân tách các thi thể và vận chuyển trên khắp thế giới. Dù vậy một số người thân của những người đã chết cho biết họ không hề biết rằng di hài của người thân của họ có thể đã bị phân tách và gửi ra các nước khác trên thế giới. 

“Họ cảm thấy rằng họ không nhận được đủ những thông tin cần biết về tình trạng thi thể người thân của họ”, ông Brandi Schmitt, giám đốc chương trình hiến xác của trường Đại học California, nhận định.

Khi sự tham lam vượt qua cả phép tắc

Như đã nói ở các kỳ trước, việc hiến xác ở Mỹ ít được điều chỉnh, do đó, một người có thể bán, mua, hay cho thuê các bộ phận cơ thể một cách hợp  pháp. 

Tuy nhiên, dù không có luật liên bang điều chỉnh việc mua bán các bộ phận cơ thể nhưng Chính phủ Mỹ có quy định giám sát thời điểm các bộ phận cơ thể được đưa ra khỏi hoặc được đưa vào nước Mỹ. Các nhân viên hải quan có quyền đảm bảo rằng các bộ phận cơ thể không bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm và được vận chuyển một cách phù hợp. Chính nhờ quy định đó mà giới chức Mỹ đã có cơ sở để buộc tội nhà môi giới thi thể ở Detroit Arthur Rathburn về những hành vi sai phạm. 

Theo hồ sơ vụ việc, FBI đã bắt đầu chú ý đến hoạt động của Công ty sinh học quốc tế của Rathburn sau khi ông ta nhiều lần bị hải quan dừng lại khi đang vận chuyển những chiếc đầu người. Kết quả khám xét cơ sở của Rathburn sau đó cho thấy ông ta đã lưu trữ các bộ phận cơ thể trong điều kiện kinh khủng, không hợp vệ sinh. Theo hồ sơ tại tòa án, những bộ phận cơ thể đó nhiễm HIV và mang virus viêm gan nhưng Rathburn không hề thông báo cho khách hàng. 

“Hành vi gian lận của ông ta đã khiến ngay cả những người nhiều kinh nghiệm nhất trong nhóm điều tra của chúng tôi bị sốc. Những người hiến xác cũng đã trở thành nạn nhân của hành vi cố ý vận chuyển những bộ phận cơ thể người nhiễm virus của Rathburn và công ty của ông ta”, điệp viên David Gelios nhận xét. 

Ông Gelios cho rằng hành vi của Rathburn chính là điển hình của việc để lòng tham vượt qua những phép tắc thông thường. Rathburn cũng bị buộc tội vận chuyển các vật liệu độc hại sau khi bị phát hiện đã vận chuyển đầu của một người tử vong vì nhiễm khuẩn và viêm phổi. 

Cáo buộc này nhấn mạnh lo ngại đang ngày càng gia tăng về việc những lô hàng vận chuyển các bộ phận cơ thể người có thể gây nguy hại tới sức khỏe cộng đồng. 

Theo ông Martin Cetron – giám đốc bộ phận di cư và kiểm dịch toàn cầu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, khi một nhà môi giới phân tách một thi thể bị nhiễm khuẩn hay virus, nguy cơ lây bệnh của những người xử lý các bộ phận đó cũng tăng thêm. “Nếu họ dùng cưa để cắt xương hay tay chân, có khả năng dịch sẽ bắn ra và người đó sẽ hít phải hoặc tiếp xúc”, ông Cetron lý giải.

Theo tài liệu của Chính phủ Mỹ, từ năm 2008 đến 2017, các nhân viên hải quan Mỹ đã ít nhất 75 lần ngăn chặn những bộ phận cơ thể bị nghi nhiễm khuẩn. Thông thường, các nhân viên hải quan chú ý đến hàng hóa được đưa vào nước Mỹ hơn hàng hóa được chuẩn bị xuất đi và gần như toàn bộ những vụ ngăn chặn đó là thi thể của những người Mỹ hiến xác đang trên đường được đưa về lại Mỹ. 

Về cơ bản, các bộ phận được đưa về Mỹ vì 3 lý do: để tuân thủ luật pháp nước ngoài về việc xử lý hài cốt, khi việc hỏa táng không được thực hiện ở nước ngoài hoặc trong trường hợp người môi giới dự định tái sử dụng các bộ phận đó. 

Ví dụ, trong năm 2016 và 2017, các điệp viên liên bang của Mỹ đã chặn các chuyến hàng chuyển ngược về cho MedCure. Trong số những bộ phận cơ thể bị chặn lại có phần thân người nhiễm một tác nhân sinh học có thể gây nhiễm trùng huyết. Ít nhất 1 bộ phận có mang vi khuẩn MRSA có thể gây chết người. 

Công ty MedCure được thành lập vào năm 2005. Công ty này có các trung tâm phân phối và đào tạo y khoa ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ như gần Portland, bang Oregon; Las Vegas; và Providence ở trên đảo Rhode… Khi những người hiến xác cho MedCure qua đời, thi thể sẽ được vận chuyển tới một trong 5 trung tâm của công ty ở  Mỹ. 

Theo các nhân viên cũ của công ty, việc vận chuyển thường được tiến hành bằng xe tải. MedCure ban đầu vận chuyển thi thể và các bộ phận cơ thể người ra nước ngoài theo đơn hàng riêng biệt và thường bằng máy bay. Tuy nhiên, về sau, công ty tính toán rằng lợi nhuận sẽ tăng lên nếu công ty vận chuyển các bộ phận cơ thể với số lượng lớn tới châu Âu rồi từ đó phân phối đi khắp nơi. 

Với tính toán như vậy, năm 2012, công ty mở trung tâm phân phối ở Amsterdam, Hà Lan. Kể từ đó, công ty này đã chuyển nhiều lô hàng ra nước ngoài để từ đây phân phối tới các nước khác trên thế giới. Hiện, công ty này đang bị FBI điều tra về hoạt động.