Hàng nội 'làm chủ' thị trường bánh kẹo, mứt Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không khí Tết đã tràn ngập khắp các trung tâm thương mại, siêu thị và các khu chợ truyền thống. Sản phẩm bánh, kẹo, mứt Tết đều được các đơn vị kinh doanh, tiểu thương đặt ở những vị trí thuận tiện nhất để thu hút khách hàng, trong đó hàng Việt chiếm “áp đảo” thị trường.
Các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết đã được bày bán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: PV).
Các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết đã được bày bán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: PV).

Nguồn cung dồi dào, giá bán ổn định

Chia sẻ với báo Pháp luật Việt Nam, bà Trịnh Thị Vân - Giám đốc Marketing & quản lý vận hành kênh kinh doanh B2B của Richy cho biết, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn, ngay từ quý III/2023, nhà máy sản xuất sản xuất bánh kẹo của Richy đã bắt tay vào gia tăng sản lượng sản xuất nhằm chuẩn bị cung cấp ra thị trường bánh kẹo Tết 2024 những sản phẩm chất lượng, mẫu mã bắt mắt với phân khúc giá hợp lý và cạnh tranh chỉ từ 100-200 nghìn đồng.

Năm nay, bên cạnh các mẫu hộp đặc trưng quen thuộc Richy còn có mẫu dành riêng cho Tết 2024 với nhận diện mới hình rồng vàng bắt mắt, họa tiết in nổi bật mang đậm màu sắc và không khí Xuân.

Theo bà Trịnh Thị Vân, cách đây khoảng 6 - 8 tuần trước Tết nguyên đán, các khách hàng doanh nghiệp/cơ quan xí nghiệp đã bắt đầu quan tâm và đặt hàng cho mục đích biếu tặng doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sản phẩm bánh kẹo tết của Richy đã bao phủ, hiện diện trên khắp các giá kệ hàng hóa tại các điểm bán cửa hàng truyền thống, siêu thị cũng như các kênh online.

Những giỏ quà Tết từ các sản phẩm của thương hiệu trong nước được ưu tiên bày bán trong các hệ thống siêu thị. (Ảnh:PV).

Những giỏ quà Tết từ các sản phẩm của thương hiệu trong nước được ưu tiên bày bán trong các hệ thống siêu thị. (Ảnh:PV).

Còn bà Chu Thị Thu Anh - Phụ trách khối kinh doanh cửa hàng, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết: Năm nay, công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường khoảng 350 tấn sản phẩm. Bên cạnh các sản phẩm mứt tết truyền thống, công ty còn có thêm các dòng sản phẩm mới như các loại mứt như mứt hồng bì, mứt mận...

Công ty cũng cam kết không tăng giá bán mặc dù giá nguyên liệu đầu vào năm nay tăng từ 5-12% so với năm trước. Và để thu hút khách hàng, cạnh tranh với các thương hiệu khác, công ty cũng đổi mới hình ảnh, bao bì, mẫu mã sản phẩm với tiêu chí phù hợp với mọi đối tượng khách hàng và tiện lợi trong sử dụng và đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo bà Chu Thị Thu Anh, dự kiến cao điểm mua sắm Tết sẽ bắt đầu từ ngày 22 tháng Chạp cho tới 30 Tết. Vì vậy, thời điểm này thích hợp để người dân có thể lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm.

Thời điểm hiện tại, người dân bắt đầu mua sắm, tuy nhiên sức mua chưa lớn. (Ảnh:PV).

Thời điểm hiện tại, người dân bắt đầu mua sắm, tuy nhiên sức mua chưa lớn. (Ảnh:PV).

Là một thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng trong nước, Công ty Cổ phần Bibica cũng dự kiến đưa ra thị trường khoảng 6.200 tấn bánh kẹo các loại với đa dạng mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt.

Không đứng ngoài "cuộc đua", Hải Hà – Kotobuki lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ rất sớm và vận hành 100% công suất của toàn bộ các dây chuyền nhà xưởng, tăng ca, tăng kíp sản xuất nhằm đáp ứng đủ các đơn hàng và bắt nhịp với nhu cầu của thị trường. Năm nay, các sản phẩm của Hải Hà – Kotobuki cũng có nhiều mẫu mã, hương vị mới, giúp khách hàng ngày càng có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm.

Bánh kẹo Việt chiếm ưu thế

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Tops Market, Co.opmart, WinMart... các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết đã được trưng bày bắt mắt với đa dạng chủng loại mẫu mã.

Tại siêu thị WinMart (trên đường Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy), bánh kẹo Tết được ưu tiên bày bán ngay cổng ra vào siêu thị. Các sản phẩm này chủ yếu là thương hiệu trong nước như: Tràng An, Hải Hà, Richy, Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Hà Nội... với mẫu mã đa dạng, đẹp không thua kém gì hàng ngoại, giá cả phải chăng.

Cụ thể, các sản phẩm bánh kẹo tại các cửa hàng và hệ thống siêu thị dao động từ 30.000 đến hơn 500.000 đồng/hộp tùy loại, một số giỏ hàng Tết có giá từ hơn 200 nghìn đồng đến gần 800.000 đồng/giỏ. Các loại mứt tết, hạt, trái cây sấy khô, các loại hạt như hạt sen, hạnh nhân, mắc ca... có giá phổ biến 35.000-350.000 đồng/kg tùy loại và trọng lượng...

Vợ chồng ông T (Cầu Giấy, Hà Nội) lựa chọn mua bánh kẹo Việt tại siêu thị WinMart. (Ảnh:PV).

Vợ chồng ông T (Cầu Giấy, Hà Nội) lựa chọn mua bánh kẹo Việt tại siêu thị WinMart. (Ảnh:PV).

Để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị lớn đều triển khai và áp dụng các chương trình khuyến mãi. Cụ thể, tại hệ thống WinMart áp dụng chương trình mua 2 tặng 1 bắt đầu từ ngày 24/1, hay giảm từ 5-10% các sản phẩm bánh kẹo.

Tương tự, hệ thống siêu thị Tops Market cũng đồng loạt triển khai chương trình khuyến mãi “Tết rồng vàng ngàn ưu đãi”, giảm từ 10 đến 20% với các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết..., áp dụng từ ngày 01/1 trên toàn quốc. Bên cạnh đó, siêu thị áp dụng chính sách cam kết không tăng giá bán Tết với hơn 10.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.

Đang lựa chọn bánh kẹo Tết tại siêu thị WinMart trên đường Trần Đăng Ninh, vợ chồng ông T (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhiều năm trở lại đây các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành phải chăng, nên ngày bình thường ông bà cũng luôn tin tưởng lựa chọn hàng Việt. Dịp Tết Nguyên đán, ông bà cũng tranh thủ đi mua sắm, lựa chọn các sản phẩm Việt.

“Những sản phẩm của Việt Nam mình chất lượng tốt, hợp khẩu vị, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng nên năm nào gia đình tôi cũng ưu tiên tin dùng. Hơn nữa, những năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19 kinh tế khó khăn nên việc mua sắm hàng Việt cũng giúp tiết kiệm được chi phí khá lớn. Ông bà chỉ lựa chọn những sản phẩm cần thiết, mua một ít đồ bánh kẹo Tết trước, còn đồ dùng thì 29-30 Tết ra mua vẫn kịp” – ông T cho biết.

Hàng Việt ngày càng được các thương hiệu chú trọng đầu tư mẫu mã, chất lượng nên người Việt ngày càng tin dùng. (Ảnh:PV).

Hàng Việt ngày càng được các thương hiệu chú trọng đầu tư mẫu mã, chất lượng nên người Việt ngày càng tin dùng. (Ảnh:PV).

Tương tự, chị Phượng – người dân sinh sống tại Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, cho biết, gia đình chị luôn tin dùng và lựa chọn mua các loại bánh kẹo của thương hiệu Việt, bởi những sản phẩm trong nước ngày càng tốt, cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Giá cả hợp lý phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, ví dụ như bánh kẹo của Hải Hà, cafe Trung Nguyên, gạo ST24...

Không chỉ ở các hệ thống siêu thị, tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa trên thị trường, các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết cũng bắt đầu được bày bán nhiều hơn.

Theo chủ một cửa hàng bánh kẹo ở chợ Nghĩa Tân, năm nay ngoài việc nhập thêm các loại bánh kẹo ngoại, các sản phẩm Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn tại cửa hàng. Vì người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và những sản phẩm của các thương hiệu uy tín trong nước.

Về giá cả, theo chủ cửa hàng năm nay các loại bánh kẹo hầu như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn giá tăng khoảng 5-10%. Giá các loại bánh kẹo thường dao động từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/hộp tùy loại.

Theo các tiểu thương, thời điểm hiện tại người dân đã bắt đầu mua sắm tuy nhiên sức mua chưa nhiều, dự báo sức mua sẽ tăng vào thời điểm từ 24 tháng Chạp tới 30 Tết.