4 người được cấp hơn chục thẻ bảo hiểm y tế
Tại Hội thảo chính quyền cấp xã và hoạt động lập danh sách quản lý đối tượng cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), Bác sỹ Vũ Xuân Bằng, Phó ban Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, do việc lập danh sách của các địa phương không “đến nơi đến chốn” đã dẫn đến tình trạng hàng triệu đối tượng BHYT (người nghèo, trẻ em, quân nhân…) ở vùng sâu, vùng xa bị trùng thẻ, bỏ sót hoặc bị nhầm lẫn thông tin.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu của Tổ chức Tài chính y tế (HFG) về tình hình khám chữa bệnh ở một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên cách đây không lâu cũng cho thấy, tình trạng một gia đình chỉ có 4 người nhưng có đến mười mấy cái thẻ BHYT là chuyện rất bình thường. Chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai đã có tới gần 50% đối tượng bị trùng thẻ BHYT. Theo ông Đoàn Duy Lâm (HFG), nguyên nhân của tình trạng này là do có quá nhiều đầu mối quản lý nên khi sự việc xảy ra, “ba bề, bốn bên” chả ai chịu trách nhiệm…
Thừa nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Hồng Cường, Ban Thu, BHXH Việt Nam nhận xét, bên cạnh nguyên nhân khách quan từ phía các nhà quản lý, một lý do phải kể đến là trách nhiệm và ý thức của những người lập danh sách và chính những người được thụ hưởng chính sách. Để khắc phục, BHXH đã phải chỉ đạo rà soát những đối tượng nói trên, đồng thời tiến hành thu hồi lại số thẻ và trả lại Nhà nước phần kinh phí đó. “Việc làm này không những gây ra sự tốn kém về thời gian, nhân lực và tiền bạc, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân…” – ông Bằng nhận định.
UBND xã sẽ lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế
Rất nhiều biện pháp kỹ thuật đã được đưa ra để khắc phục tình trạng hàng triệu thẻ BHYT bị trùng, sót, nhầm lẫn. BHXH Việt Nam đã đưa ra biểu mẫu tờ khai chung với những cột mục đơn giản, dễ hiểu cho người dân kê khai theo hộ gia đình. UBND cấp xã sẽ là đơn vị trực tiếp tiến hành việc lập danh sách. Hiện, phương án nêu trên đã được dự thảo, lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi triển khai áp dụng trong thực tế.
Cùng với đó, EBHPD cũng đưa ra sáng kiến dùng sổ cái sử dụng phần mềm hỗ trợ để điều tra và quản lý thông tin các đối tượng. Thực tế, nhóm đã tiến hành thử nghiệm mô hình quản lý và cấp thẻ BHYT tại một số phường, xã trên địa bàn Hà Nội và Hà Nam, kết quả cho thấy mô hình đã hỗ trợ rất lớn UBND cấp xã trong việc đáp ứng những yêu cầu do Luật BHYT đặt ra, đặc biệt là khắc phục tình trạng trùng, sót và nhầm lẫn thẻ BHYT. “Mô hình này hy vọng khắc phục được những “lỗ hổng” về BHYT nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân” – TS. Trần Tuấn, đại diện Nhóm EBHPD bày tỏ.
Người dân đến khám bệnh BHYT (ảnh minh hoạ) |
Để đạt được hiệu quả cao, theo ông Tuấn, nên giao cho một tổ chức của Nhà nước thực hiện việc thu thập và lập danh sách. Thậm chí, nên có một đội ngũ chuyên trách công việc lập danh sách, bổ sung thông tin về các đối tượng…
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện theo phương án này, ông Trần Tuấn nhận định sẽ vướng phải không ít khó khăn vì chưa có một nghiên cứu khoa học bài bản, cũng như chưa có đầy đủ thông tin theo yêu cầu các bên, rồi việc thiết lập sổ cái thế nào cho phù hợp cũng đòi hỏi các bên phải tiến hành huấn luyện, thực hiện theo hệ thống…, nhất là vấn đề kinh phí để thực hiện.
Nhưng ông Tuấn tin tưởng: “Nếu làm tốt sẽ tạo một hiệu ứng dây chuyền và thúc đẩy mọi người tham gia thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến trình BHYT toàn dân. Đây cũng sẽ là nguồn cung cấp thông tin cơ bản, không chỉ phục vụ hoạt động quản lý, cấp thẻ BHYT mà cho rất nhiều ngành khác (Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội…)”.
Tán thành ý kiên trên, bà Nguyễn Thị Thủy, BHXH huyện Sóc Sơn, Hà Nội khẳng định, UBND xã đủ khả năng cấp thẻ cũng như quản lý đối tượng cấp thẻ dựa trên những thông tin được thống kê, cập nhật trong sổ cái. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để học hỏi kinh nghiệm, đào tạo nâng cao năng lực, đặc biệt là có đủ kinh phí cho mọi hoạt động…