Hành trình 20 năm vươn lên của huyện Thống Nhất

(PLVN) - 20 năm sau ngày thành lập, từ xuất phát điểm thấp nhưng với ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân toàn huyện, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) ngày nay đã có những bước tiến vững vàng, bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.

Được thành lập từ ngày 1/1/2004, sau 20 năm huyện Thống Nhất đã bước vào hành trình đổi mới. Ấn tượng nhất là huyện tập trung phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách người có công và bảo trợ xã hội; tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhất là đối với lao động nông thôn. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Huyện Thống Nhất sẽ trở thành cực phát triển phía Đông của tỉnh Đồng Nai

Xuất phát điểm là một huyện thuần nông, kinh tế - xã hội chồng chất khó khăn, trên hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, huyện Thống Nhất đã trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ đầu mối hạ tầng, có cụm công nghiệp tập trung, du lịch giải trí, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trung tâm của tỉnh Đồng Nai.

Khi mới đi vào hoạt động, dân số huyện Thống Nhất có 144.403 người (có 22 dân tộc, đồng bào có đạo chiếm trên 87% dân số). Đến nay đã tăng lên 169.323 người, với thu nhập bình quân đầu người từ 19 triệu đồng năm 2010 lên 76,3 triệu đồng năm 2022, và đạt trên 80 triệu đồng năm 2023.

Trêm địa bàn huyện có 25 hợp tác xã (HTX) (tăng 20 HTX so với năm 2004), trong đó có 10 HTX nông nghiệp, 1 HTX vận tải, 5 HTX thương mại - dịch vụ, 6 HTX môi trường, 3 Quỹ tín dụng với 2.649 thành viên, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt trên 76.015 triệu đồng. Doanh thu bình quân của một HTX giai đoạn này ước đạt 4.300 triệu đồng.

Huyện Thống Nhất ưu tiên đầu tư các công trình tại xã Lộ 25 trở thành nơi phát triển công nghiệp, dịch vụ logistic để phát huy lợi thế gần Sân bay Long Thành

Sau 20 năm, Thống Nhất đã có những bước phát triển vượt bậc, với 2 khu công nghiệp (KCN) lớn là KCN Dầu Giây và KCN Dofico xã Lộ 25 được quy hoạch. Địa bàn huyện có các tuyến giao thông trọng yếu, các tuyến đường này nối huyện với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và khu vực Nam Tây Nguyên, Duyên Hải Nam Trung bộ. Đặc biệt, Thống Nhất tọa lạc rất gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành, do đó, tiềm lực của huyện rất lớn có thể khai thác những lợi thế cạnh tranh, phát triển đột phá kinh tế-xã hội trong tương lai gần.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã quy hoạch và được tỉnh phê duyệt các tuyến đường huyện kết nối các tuyến đường tỉnh hiện hữu được tỉnh quy hoạch cũng như kết nối các tuyến đường qua trọng của quốc gia.

Về kinh tế của huyện phát triển với tốc độ nhanh, trong đó có KCN Dầu Giây đã lấp đầy. Những kết quả trên đã minh chứng cơ cấu của huyện phát triển theo hướng tích cực, thương mại dịch vụ, nông nghiệp đạt nhiều thành tích đáng kể. Hiện nay diện tích đất nông nghiệp không còn nhiều nên huyện tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Để phát triển hài hòa kinh tế - xã hội, lãnh đạo huyện đã dành nguồn lực ưu tiên cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục và đào tạo. Toàn huyện đã có 43 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 78%, 100% trạm y tế trên địa bàn huyện có bác sĩ phục vụ tại chỗ, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống từng năm.

Ông Mai Văn Hiền - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung phát nông nghiệp công nghệ cao, kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu đất đã được quy hoạch các điểm dừng chân thương mại dịch vụ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai mở rộng KCN Dầu Giây, thành lập KCN Xuân Thiện.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thống Nhất tập trung nâng tầm thành cực phát triển trong vùng phía Đông của tỉnh Đồng Nai, là đầu mối giao thông quan trọng, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến nông, lâm sản của vùng kinh tế khu vực Đông Nam Bộ.

Đọc thêm