Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh bị địch bắt đi tù vào tháng 10 (1939) tại Mỹ Tho, sau đó bị đày ra Côn Đảo và hy sinh ngày 14/8/1943. Hiện nay mộ chí của nhà yêu nước này nằm tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông (14/8/1943-14/8/2013), báo PLVN xin giới thiệu bài nghiên cứu của TS Phạm Đào Thịnh về hành trình tìm chân lý của Nguyễn An Ninh.
Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. |
Tốt nghiệp Cử nhân Luật từ Pháp về nước cuối năm 1922, đầu năm 1923, Nguyễn An Ninh diễn thuyết và làm báo để đánh thức thế hệ thanh niên còn mê ngủ. Bài diễn thuyết có tiếng vang lớn là Lý tưởng thanh niên An Nam. Nội dung bài diễn thuyết đã tạo ra ảnh hưởng lớn đối với thanh niên Nam Bộ nói chung và trí thức nói riêng.
Giáo sư Trần Văn Giàu đánh giá bài diễn thuyết có vai trò như “tiếng chuông đầu tiên thức tỉnh thế hệ thanh niên Việt Nam” về vấn đề nâng cao trình độ văn hóa của dân tộc, về tinh thần yêu nước, về giải phóng dân tộc...
Vấn đề khó khăn nhất của Nguyễn An Ninh khi về nước là dân tộc Việt Nam đi theo con đường cách mạng nào để giành được độc lập dân tộc?. Từ những năm đầu quá trình hoạt động cách mạng (1921), Nguyễn An Ninh đã hết sức băn khoăn, trăn trở về việc đi tìm chân lý con đường cách mạng giải phóng dân tộc, tâm tư ấy được Nguyễn An Ninh viết trong bài báo “Có thể làm một cuộc cách mạng hay không” trên báo La Cloche Fêlée (19/5/1924).
Theo ông, đi theo con đường cách mạng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh thì Việt Nam không thể thực hiện giải phóng dân tộc được, ông viết: “Phan Châu Trinh đang sống ở Paris, tuổi già đã hạn chế không cho phép cụ hoạt động tích cực… Phan Bội Châu không còn nữa. Thành Thái và Duy Tân thì chỉ còn cách tiêu khiển thời gian trên sân quần vợt”. Nhưng đi theo cách mạng vô sản thì Việt Nam chưa đủ điều kiện, mà trước hết là thiếu người lãnh đạo.
Trước sự bế tắc ấy, ở trong nước, Nguyễn An Ninh nhận thấy một thực trạng là nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân chống thực dân xâm lược bị đàn áp, dẫn đến hậu quả là dân tộc bị hao tổn sức lực, tiền của và con người mà vẫn không làm thực dân chùn bước. Cho nên, Nguyễn An Ninh có chủ trương là tổ chức ra những Liên đoàn, hiệp hội đấu tranh đòi những quyền cơ bản của nhân dân, vận động đồng bào đoàn kết, đấu tranh chống bất công, bạo ngược của thực dân.
Như vậy, ngay từ những năm bước vào hoạt động độc lập, Nguyễn An Ninh tán thành chủ nghĩa cộng sản nhưng do dân tộc Việt Nam chưa có điều kiện nên trước mắt làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền.
Nguyễn An Ninh chịu ảnh hưởng về sự định hướng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc từ những năm hoạt động ở Pháp, đặc biệt là lần gặp gỡ cuối cùng của ba người bạn chí cốt: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh vào cuối năm 1927 tại Paris.
Về cuộc gặp gỡ này, Sở Mật thám Nam Kỳ đã ra thông tri mật số 523 – S, ngày 22 tháng 8 năm 1927, có đoạn viết: “Nguyễn An Ninh sẽ nhân dịp sang Pháp lần này để bắt liên lạc với những người cực đoan Pháp, trong đó có các nghị sĩ M.Cachin và Doriot đang có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ý đồ của Nguyễn An Ninh trước sau vẫn là đưa Nguyễn Ái Quốc về thôn tính Đông Dương…”.
Trước đó, vào ngày 9/6/1927, trên tờ báo “L’ Annam”, Nguyễn An Ninh đã viết bài “Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Dương”, trong đó ông nhận định, tại Đông Dương chưa có chủ nghĩa cộng sản nhưng đối với thực dân Pháp là một sự đe dọa, vì chủ nghĩa cộng sản sẽ xuất hiện và phát triển ở Đông Dương khi có đủ điều kiện. Theo Nguyễn An Ninh, chủ nghĩa Mác – Lênin cần phải được truyền bá vào đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam vì nó đáp ứng yêu cầu của dân tộc mất nước.
Trong Lời tuyên bố cuối cùng của Nguyễn An Ninh đăng trên báo Dân chúng, chúng ta có thể nhận thấy ông đã rất sớm chuyển sang cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc. Mặc dù, lúc bấy giờ Nguyễn An Ninh nhận thấy ở Việt Nam chưa có đủ các điều kiện để thực hiện cuộc cách mạng vô sản như lực lượng vô sản còn quá yếu, tiềm lực kinh tế, quân sự..., còn hạn chế nhưng ông cũng đã thừa nhận lập trường cách mạng vô sản.
Ông viết: “Trên lập trường quốc gia vô sản, phải cùng với các lớp dân chúng tranh đấu cho thành lập được chế độ dân chủ, dẫu rằng tư bản dân chủ (démocratie bourgeoise), để gầy tạo lực lượng của mình và tham gia chính trị. Trên lập trường quốc tế, phải liên hiệp với vô sản, với dân chúng các xứ khác và ngăn cản sự bành trướng của phát xít chủ nghĩa”.
Những năm hai mươi đầu thế kỷ XX, Nguyễn An Ninh đã xác định đúng đắn mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc và sau khi hoàn thành mục tiêu này sẽ thành lập một quốc gia dân chủ. Con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam phải trải qua nhiều giai đoạn, trước mắt là làm cách mạng tư sản dân quyền, sau khi có đủ điều kiện thì tiến hành cách mạng vô sản.
Cuộc hành trình tìm chân lý của ông đã trải qua thời gian hoạt động thực tiễn cách mạng hàng chục năm từ hoạt động báo chí để giác ngộ quần chúng, thành lập tổ chức Thanh niên Cao vọng để chuẩn bị lực lượng cho Đảng Cộng sản đến tổ chức Đại hội Đông Dương để vận động đoàn kết toàn dân trong một mặt trận thống nhất... Ông tin tưởng vào đường lối cách mạng vô sản và tích cực hoạt động nhưng Nguyễn An Ninh bị địch bắt đi tù vào tháng 10/1939 tại Mỹ Tho, sau đó bị đày ra Côn Đảo và hy sinh ngày 14/8/1943.
Đánh giá công lao và ghi nhận những đóng góp của Nguyễn An Ninh đối với cách mạng Việt Nam, nguyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Tôi có cơ hội gặp và sống với Nguyễn An Ninh trong nhiều tháng ở khám Lớn Sài Gòn trong những năm 1929 – 1930. Từ đó tôi biết rõ Nguyễn An Ninh và tôi khẳng định rằng Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì Tổ Quốc và dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng, cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử”.
Ts Phạm Đào Thịnh