Dấu ấn Nhà máy Dinh Cố
Đầu tháng 9/2019, PVGas đứng thứ 5 trong top 20 DN vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam. Còn theo Báo cáo tài chính giữa niên độ đã soát xét cho kỳ hoạt động 6 tháng năm 2019, tổng tài sản của PVGas là hơn 65 nghìn tỷ; doanh thu 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 39 nghìn tỷ...
PVGas đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị có được thuận lợi do giá dầu có tăng nhích hơn kế hoạch, trung bình đạt 66,1 USD/thùng; hệ thống khí của PVGas hoạt động ổn định, cấp khí liên tục; mỏ Phong Lan Dại đấu nối vào hệ thống khí Nam Côn Sơn và bắt đầu cấp khí từ 1/1/2019, bổ sung nguồn khí cung cấp trong giai đoạn suy giảm.
Để DN lớn mạnh như hôm nay, gần ba thập kỷ qua, đơn vị tiên phong của ngành công nghiệp khí Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm. PV Gas ban đầu có tên là Công ty Khí đốt được thành lập với chức năng chính là thu gom, vận chuyển, chế biến và kinh doanh các sản phẩm khí. Từ một đơn vị chuyên quản lý đầu tư và xây dựng, PV Gas đã bước vào một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới, gặp không ít những khó khăn, thách thức.
Năm 1993, Dự án thu gom khí Bạch Hổ được triển khai, với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD. Tháng 5/1995, dòng khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ được đưa vào bờ để cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa với công suất 1 triệu m3 khí/ngày. Năm 1998, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, hệ thống kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng PVGas - một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Đây là lần đầu tiên gas và condensate được sản xuất tại Việt Nam.
Tháng 12/2002, Dự án khí Nam Côn Sơn hoàn thành. Dự án có sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia lớn nhất trên thế giới như BP của Vương Quốc Anh và ConocoPhillips của Mỹ, tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, công suất 7 tỷ m3 khí/năm.
Tiếp đó, Dự án khí PM3-Cà Mau, khí thiên nhiên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia đã được vận chuyển đưa về Việt Nam cung cấp cho các khách tiêu thụ bằng đường ống dài trên 300km. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 214 triệu USD và công suất 2 tỷ m3 khí/năm.
Hỗ trợ ngành điện, hóa chất phát triển
Năm 2010, PVGas tiếp tục khởi công xây dựng đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn - dự án quan trọng có tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD, trong đó PVGas tham gia 51% và các đối tác nước ngoài tham gia 49%.
Mục tiêu của Dự án khi hoàn thành là sẽ vận chuyển khí tự nhiên được khai thác từ các Lô B & 48/95 và 52/97 thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam với công suất 18,3 triệu mét khối khí/ngày (tương đương với 6,4 tỉ mét khối khí/năm) để cung cấp cho các nhà máy điện tại Trung tâm Ðiện lực Ô Môn, Trà Nóc của Cần Thơ (tổng công suất 3.000 MW), cung cấp bổ sung một phần cho Khu công nghiệp Khí Ðiện Ðạm tại tỉnh Cà Mau cũng như các hộ tiêu thụ khác ở Tây Nam Bộ.
Gần đây, với cơ sở vật chất đồng bộ và hoàn chỉnh, PV Gas đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất ra 36 tỷ kwh điện/năm, tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia, gần 800.000 tấn đạm/năm, tương ứng 30% tổng sản lượng đạm cả nước, 100.000 tấn xăng/năm, tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước và cung cấp khoảng 700.000 tấn LPG/năm, đáp ứng 70% nhu cầu LPG toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.
Là DN tiên phong của ngành công nghiệp khí, tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc PVGas Dương Mạnh Sơn, hiện nay DN đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sự cố phía thượng nguồn ngày một tăng; khí bể Cửu Long đưa vào bờ giảm mạnh so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2018; đặc biệt, sự cố tại một giếng mỏ khí Thái Bình kéo dài từ đầu tháng 2 đến tháng 6/2019 trong thời gian khắc phục, sản lượng khí về bờ chỉ còn 50%; việc đàm phán, thống nhất về giá khí, cước phí mới mất nhiều thời gian. Ngoài ra, một số dự án lớn, phức tạp trong khi tiến độ rất sát, việc đảm bảo hoàn thành kế hoạch rất khó khăn.
Lãnh đạo PVGas cho biết đang tập trung các giải pháp, để nhanh chóng khắc phục, vượt qua các khó khăn, tạo khối đoàn kết, đồng thuận cùng thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019.