Bình dị mà phi thường
Người Việt Nam - những con người bé nhỏ, rất đỗi bình dị nhưng làm nên nhiều điều phi thường. Một em nhỏ kiên trì nhặt rác mỗi ngày để giữ sạch con ngõ nhỏ; một thầy giáo nơi vùng cao lặn lội qua những con dốc cheo leo để gieo chữ cho học trò nghèo; hay người thợ sửa xe mở cánh cổng miễn phí cho những mảnh đời bất hạnh trên hành trình mưu sinh. Từ những người thầm lặng hiến máu, những người mẹ cưu mang hàng nghìn trẻ mồ côi, cho tới những bạn trẻ khuyết tật vượt lên số phận để giúp đỡ người đồng cảnh ngộ, cống hiến cho cộng đồng.
Mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, không thể đi lại như người bình thường, thế nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (sinh năm 1990, Nam Định) vẫn nuôi ước mơ trở thành cô giáo với lớp học 5 không đặc biệt: không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí. “Tôi năm nay 33 tuổi, vì căn bệnh xương thủy tinh, số lần gãy xương gấp nhiều lần số tuổi. Lục phủ ngũ tạng cũng vì thế mà hỏng cả. Thế nhưng, hỏng là việc của nó, còn cố gắng nỗ lực là việc của mình” - Ngọc Tâm bình thản chia sẻ về căn bệnh của mình.
|
Cô giáo xương thủy tinh - Nguyễn Thị Ngọc Tâm truyền nghị lực cho cộng đồng người khuyết tật. |
Dù tuổi thơ nhiều đau đớn với những lần gãy xương liên tục, thế nhưng Tâm lại rất đam mê học hỏi và mong muốn dạy học miễn phí cho các học sinh nghèo. Bàn ghế phục vụ việc dạy học đều do bố mẹ tự chế. Mặc dù không được đào tạo bài bản như một giáo viên thực thụ nhưng lớp học của cô giáo Tâm vẫn đều đặn đón các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 tới học trong suốt gần hai mươi năm qua, thậm chí còn có những học sinh khác tỉnh, từ Thái Bình, Ninh Bình... sang theo học cô Tâm. Chị sáng lập Quỹ Học bổng Ngọc Tâm thủy tinh. Mỗi dịp kết thúc học kỳ, kết thúc năm học, lớp học Ngọc Tâm thủy tinh đều nỗ lực dành những phần thưởng, những món quà cho các em nhỏ vùng quê nghèo. Bên cạnh đó, chị còn xây dựng tủ sách gồm 1.500 đầu sách với mong muốn có thể mang đến tri thức đến với các em học sinh.
Sinh ra ở một bản làng heo hút của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cậu bé Lù Văn Chiến (SN 2012, dân tộc Nùng) bị dị tật bẩm sinh hai chân khiến em chỉ có thể lết bằng tay để di chuyển. Thế nhưng, hoàn cảnh của em còn éo le bởi bố đi tù, mẹ đã rời xa em để đi tìm cuộc sống mới. Điều may mắn hiếm hoi còn sót lại trong cuộc đời em khi ấy có lẽ là tình thương của bà nội. Dù đã già yếu, bà vẫn hàng ngày cõng em đi học.
Tháng 9/2018, clip cậu bé lết bằng đôi tay, cả người lấm lem bùn đất được đăng tải lên mạng xã hội cùng lời cầu cứu: “Có ai giúp được không?”. Hình ảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng và nhận được nhiều sự quan tâm. Trong số đó có nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương” đã kết nối với Giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình sống ở Melbourne (Australia). Bác sĩ Tôn nhận lời chữa cho Chiến nhưng với điều kiện phải có người tại đến tận nhà cậu bé để ông có thể nhìn thấy cậu qua video. Một thành viên của nhóm “Kết nối yêu thương” là chị Trần Mai Vy đã tình nguyện vượt qua quãng đường gần 1.500km đi từ thành phố Kon Tum đến xã Nậm Khòa, Hà Giang để trực tiếp gặp Chiến.
|
Nhờ lòng tốt của mọi người, Chiến đã từ một trẻ dị tật bẩm sinh đôi chân, giờ đã có đôi chân lành lặn như bao người. |
Sau nhiều khó khăn, tháng 11/2019, chị Trần Mai Vy đưa Chiến sang Australia để phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật kéo dài 9 tiếng đồng hồ đã thành công. Chị Vy nhận Chiến làm con nuôi, đưa về Kon Tum chăm sóc, mặc dù chị cũng đang có một người con trai bị bại não. Sau những tháng ngày kiên trì tập vật lý trị liệu, cậu bé Chiến đã đứng vững trên đôi chân, chập chững những bước đầu tiên ở tuổi lên 7. Dần dần, Chiến đi nhanh hơn, rồi đạp xe quanh nhà, tự đi học, vui chơi cùng với bạn bè.
Câu chuyện về tình mẫu tử “bất đắc dĩ” của Chiến và chị Vy lấy đi nhiều nước mắt của y, bác sĩ tại bệnh viện St John of God Berwick. Các tờ báo ở Australia, Hoa Kỳ, Anh… gọi đó là ca mổ lịch sử, bởi nó không chỉ được viết nên bằng y học mà còn là cả tình người vô bờ bến. Người dân Australia cũng đặt biệt danh thân mật cho Chiến là "Lucky boy" (cậu bé may mắn).
Triệu triệu tấm lòng cùng chung nhịp đập
Nhà là nơi bão dừng chân sau cánh cửa. Vì thiên tai, vì giông tố cuộc đời, có những đứa trẻ không có nhà để về. Thế nhưng, cũng từ trong giông tố ấy, những ngôi nhà mới, những gia đình dù không phải máu mủ ruột rà lại được gắn bó bên nhau. Được xây nên bằng tình yêu thương, “Mái ấm xa mẹ” đã có hơn 30 năm giúp đỡ hơn 600 cuộc đời tìm được sự ấm áp. Ở đó, những người con các thế hệ cùng sum họp, bồi hồi xúc động khi nhớ lại những năm tháng được mẹ nuôi cưu mang, dạy dỗ.
Câu chuyện của một cựu chiến binh cũng khiến nhiều người rưng rưng cảm động. Thương những đứa trẻ bị bỏ rơi và trẻ thiếu điều kiện chăm sóc, ông Huỳnh Tấn Hùng - một cựu chiến binh ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã mở cửa đưa những đứa trẻ bất hạnh về nuôi. Hành trình ấy âm thầm, lặng lẽ suốt hơn 15 năm qua.
Ông Nguyễn Trung Chắt (Ba Đình, Hà Nội) là người cha của 305 em nhỏ mồ côi. Nuôi nấng các con từ khi còn nhỏ xíu, đến khi các con đi học, rồi khôn lớn trưởng thành là một hành trình chẳng hề dễ dàng. Thế nhưng, ông Chắt cùng tình yêu thương các con đã vượt qua tất cả. Ông còn tổ chức đám cưới cho những người con trưởng thành của mình, đi hỏi vợ, đón dâu để các con luôn biết rằng, đó là nhà, là hơi ấm là điểm tựa để các con tự hào, các con không phải là những đứa trẻ mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa.
|
Không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp hay địa vị xã hội, điểm chung duy nhất của họ là trái tim nhân hậu. |
Vũ trụ có hàng triệu kỳ quan, nhưng kỳ quan vĩ đại nhất trên cuộc đời này chính là trái tim người mẹ. Trái tim ấy không chỉ mang trong mình một tình yêu vô bờ bến mà còn là nguồn sức mạnh kỳ diệu, luôn sẵn sàng hy sinh, cống hiến và trao đi mà không đòi hỏi điều gì. Đó là tình yêu thầm lặng dành cho chồng, con, gia đình và cả những người chưa hề quen biết. Mẹ của Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Lê Trung (Bệnh viện 103) đã sống như thế - âm thầm, bền bỉ và tử tế đến tận giây phút cuối cùng. Bác sĩ là người đã thực hiện di nguyện cuối cùng của mẹ - hiến giác mạc sau khi qua đời. Và chính bác sĩ Trung, người con trai ấy, đã tiếp nối nghĩa cử của mẹ mình - bằng cách đăng ký hiến tạng, trao tặng sự sống cho rất nhiều người khác.
Đất nước là ngôi nhà lớn, nơi triệu triệu tấm lòng cùng chung nhịp đập. Mỗi con người tử tế đều là viên gạch nhỏ góp phần xây đắp mái nhà chung ấy. Từ những hành động nhỏ bé, mỗi người đều góp phần tạo nên một bức tường vững chãi, nơi tình yêu thương gắn chặt để đất nước ta ngày càng vươn xa.
Những điều tưởng như nhỏ bé ấy, khi cộng lại, đã trở thành sức mạnh lớn lao làm ấm lòng người, thắp sáng niềm tin vào điều thiện giữa cuộc sống đầy chông gai. Chính họ, những người bình dị mà kiên cường, là minh chứng rằng điều tử tế luôn có mặt, ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S này.
Lòng tự hào trở thành sợi chỉ đỏ để mỗi người chúng ta tìm thấy ý nghĩa của việc cho đi, của yêu thương. Từ những việc làm nhỏ nhất như trồng một cái cây cho đến việc nắm lấy bàn tay của những người cần giúp đỡ. Cứ góp nhặt từng việc tốt, là cách mọi người cùng nhau tô màu cờ đỏ sao vàng cho hai tiếng Việt Nam.
“Gala Kỷ niệm 10 năm Việc tử tế” với chủ đề “Việt Nam tử tế” có sự góp mặt của hơn 100 nhân vật tiêu biểu, đại diện cho 2.500 tấm gương tử tế đã từng xuất hiện trên VTV chương trình “Việc tử tế” nhằm lan tỏa những hành động đẹp, những tấm gương đẹp trong xã hội.
Gala 10 năm “Việc tử tế” có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như: Đen, Văn Mai Hương, Lâm Phúc, Hiền VK,… và nhiều nghệ sĩ khác. Những ca khúc ngập tràn cảm xúc như: “Đi về nhà”, “Việc tử tế - Ai cũng có thể” và đặc biệt là “Việt Nam tử tế” được vang lên như giai điệu kết nối triệu trái tim Việt Nam. Đồng hành cùng “Gala kỷ niệm 10 năm Việc tử tế” là sự góp mặt của NSND Minh Hòa, NSND Lan Hương, NSUT Đỗ Kỷ, NSUT Quách Thu Phương, NSUT Cao Nguyệt Hằng, Hoa hậu Ngọc Hân, diễn viên Hồng Diễm, diễn viên Bảo Thanh… cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. Chương trình sẽ được phát sóng vào tháng 5/2025 trên kênh VTV1 và ứng dụng VTV Go.