Hành vi cản trở, đe doạ nhà báo sẽ bị xử lý thế nào?

(PLVN) - Gần đây xảy ra nhiều vụ phóng viên tác nghiệp, phản ánh tiêu cực bị đe dọa, hành hung, bị phá hoại tài sản. Việc đe dọa, cản trở nhà báo sẽ bị xử lý như thế nào? 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trao đổi với PV Báo PLVN, Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH  TGS, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội - cho biết, việc cản trở hoạt động báo chí, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa tính mạng, sức khỏe của các nhà báo, phóng viên được biểu hiện ở các hành vi dùng lời nói, hoặc việc làm nhất định nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên như: Chửi bới, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần, dọa đánh, dọa giết, thu giữ hoặc làm hư hỏng, hủy hoại trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; ngăn cản trái phép, không cho nhà báo, phóng viên ghi hình, tiếp cận và thu thập thông tin, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.

Nghiêm trọng hơn là các hành vi sử dụng vũ lực (đánh, đâm, chém.v.v..), tấn công trực tiếp, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của phóng viên, nhà báo.v.v..

Theo quy định hiện hành, tại Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định: Đối với “các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí” thì tùy vào loại hành vi và tính chất, mức độ vi phạm cụ thể có thể bị xử phạt từ 05 triệu đồng cho đến 30 triệu đồng. Trong đó, hành vi: “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp” sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; các hành vi “uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên”; “hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên” sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng cho đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc xin lỗi, buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí. 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020, có hiệu lực từ ngày 01/12/2020, thay thế cho Nghị định số 159/2013/NĐ-CP nêu trên. Theo đó, mức xử phạt cho các “hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí” đã được tăng cao hơn rất nhiều, với mức xử phạt từ 10 triệu đồng cho đến 60 triệu đồng. Trong đó, hành vi “thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên” sẽ bị xử phạt từ tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; các hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp”; “hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên” sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng; hành vi “có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị xử phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. 

Trong các trường hợp ở mức độ nghiêm trọng và tùy thuộc vào từng vi phạm cụ thể thì các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí còn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng như: Tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự), Tội đe dọa giết người (Điều 133 Bộ luật hình sự), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự), Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự), Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 Bộ luật hình sự); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật hình sự), hoặc Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167 Bộ luật hình sự)...

Đọc thêm