Chỉ được giao quản lý trong một lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thôi mà đã làm phiền dân chúng đến mức này, thể hiện quyền lực cao hơn cả Quốc hội, chạm đến lòng tự trọng của hàng triệu người, thật là quá lố. Đã thế, còn đổ cho “lỗi kỹ thuật” thì quả là không có một tý “nghệ thuật” nào trong ứng xử, đó chỉ là sự “biểu diễn” thô thiển. Hành vi này không phải lỗi nữa mà là có tội với dân, với nước!
Chuyện này chưa xong, lại xuất hiện việc thu tiền bản quyền các tác phẩm âm nhạc trong các chương trình phát trên tivi đặt tại khách sạn. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, người thu đã lên tiếng giải thích là thực hiện việc này đúng theo pháp luật.
Chẳng có pháp luật nào quy định rõ việc thu phí các tivi trong khách sạn cả, đó chỉ là việc “áp dụng sáng tạo” mà thôi. Đã nhân danh bảo vệ tác quyền thì không được tự tung, tự tác! Việc này trả tác quyền thuộc nhà đài, khách sạn hoặc bất kỳ đơn vị kinh doanh nào sử dụng truyền hình trả tiền, tức là đã mua sóng rồi còn phải trả gì nữa. Chưa nói đến chuyện nếu anh thu tiền bản quyền âm nhạc phát trên tivi thì căn cứ vào đâu mà định lượng, mà tính tiền?.
Cái việc thu phí bản quyền này nếu được áp dụng và cho rằng đúng pháp luật vì “kinh doanh” thì cũng phải thu tiền bản quyền tác giả từ những người bán báo, đại lý hay bán rong cũng thế, đều kinh doanh cả. Rồi hiệu sách, các đại lý băng nhạc, hát rong,... đều có lợi nhuận khi bán hàng hoặc phục vụ công chúng, phát thử nhạc cho người nghe để họ chọn mua, đều phải trả tiền bản quyền,...
Vấn đề bản quyền bị xâm hại ở nước ta là rất nhức nhối. Truyền hình Việt Nam vừa mất bản quyền phát sóng các trận bóng đá vô địch châu Âu chỉ vì không thể bảo vệ được độc quyền phát sóng của mình vì bị đánh cắp. Rồi nạn in sách lậu, sang băng đĩa lậu... Hãy dành tâm huyết đích thực vào những chuyện xâm hại bản quyền “khủng long” ấy chứ nhằm vào sử dụng hợp pháp chính đáng của mấy cái tivi trong khách sạn làm gì. Hoặc, trước khi muốn thu tiền “đúng pháp luật” thử thăm dò ý kiến những người thường ở khách sạn xem họ có đồng tình với việc này không, thứ nữa là tiền ấy để làm gì, tác giả và những người thừa kế tác phẩm có được đồng nào không?
Là nghệ sỹ sáng tác âm nhạc hay làm thơ, viết văn đều mong muốn tác phẩm của mình càng được phổ biến nhiều càng lấy làm vinh dự chứ không phải tiền là quyết định. Một bài báo cũng vậy, rất nhiều báo đăng lại với “theo” nọ, “theo” kia mà tác giả của nó có được trả thêm một đồng nhuận bút nào đâu và cũng có đòi hỏi gì đâu. Tâm niệm của họ là bài mình viết ra càng nhiều người đọc càng tốt, chứng tỏ bài viết của mình có ý nghĩa nhất định, được dư luận quan tâm. Một trong những tiêu chí của văn hóa là đại chúng. Các ông chỉ nhằm vào cái việc cấp phép và thu tiền thì đại chúng cái gì!