Hào hứng với phong trào thể dục Bộ Y tế phát động

(PLVN) - Trong phong trào tập thể dục thể thao, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Y tế là cơ quan công sở đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu tiến hành tập thể dục giữa giờ họp. Bộ này cũng đưa ra thông điệp kêu gọi người dân tăng cường vận động mọi lúc, mọi nơi. 
Người dân tập thể dục tại công viên.
Người dân tập thể dục tại công viên.

Với kỳ vọng việc tập thể dục đều đặn sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, ngày 14/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký chỉ thị yêu cầu toàn bộ các cán bộ, nhân viên, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y nghiêm túc thực hiện tập thể dục trong thời gian giải lao ở ngay tại cơ quan giữa các buổi họp và giao ban mỗi ngày. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành y vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng tích cực việc thực hiện vận động thể lực dưới hình thức đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày để ngừa các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính.

Đặc biệt, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự nhằm thực hiện tinh thần phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam giữa Bộ Công an và Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Công an đã cùng các đại biểu tập bài tập thể dục giữa giờ. Thời gian mỗi lần tập là 3 phút theo mẫu bài tập thể dục của người Nhật Bản, với các động tác vươn cao tay và hít thở rất đơn giản.

Theo các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Y sinh Pennington (bang Louisiana, Mỹ) đã chứng minh được rằng, tập thể dục thật sự có tác dụng chữa bệnh. “Không có loại thuốc nào có tác dụng tốt bằng việc tập thể dục”, Claude Bouchard, Trưởng phòng nghiên cứu hệ gen, cho biết. Vì vậy tập thể dục thường xuyên đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ mỗi người.

Jennifer Heisz, một nhà thần kinh học về nhận thức tại Đại học McMaster ở Ontario, Canada nói rằng không có gì bảo vệ bộ não tốt hơn việc tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục dường như một liều thuốc điều trị tất cả, nó giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc suy giảm nhận thức từ 35% đến 45%, theo các minh chứng mới nhất.

Theo Hội tim mạch học Việt Nam, tập thể dục thường xuyên không những giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch mà còn làm con người cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn trong cuộc sống. Chỉ cần tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày (vào hầu hết các ngày trong tuần), mỗi người sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Và theo các bác sĩ chuyên khoa, hệ tim mạch của những người tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ khỏe mạnh hơn người ít tập vận động. Đặc biệt, nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh, hoạt động thể chất này có thể cải thiện sức khỏe cho bạn.

Tập thể thao mỗi ngày giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường cơ tim và bơm thêm máu đến các bộ phận của cơ thể; làm tăng khả năng giữ oxy của phổi và cũng làm cho tế bào miễn dịch của mỗi người mạnh mẽ hơn để chống lại bệnh tật.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tập thể dục có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện chức năng đề kháng của cơ thể con người. Thể dục đều đặn ở cường độ vừa như chạy bộ, đi bộ giảm cân, đạp xe, bơi lội… đều có thể giúp bạn tăng cường hệ thống miễn dịch của mình. Nhưng hiệu quả này kéo dài chỉ trong vài giờ sau khi tập thể dục, vì thế mỗi người cần luyện tập thường xuyên và đều đặn mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh 31 tuổi (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Dạo trước tôi rất béo, đi xét nghiệm thì ra bệnh mỡ máu. Từ lúc biết mình bệnh, tôi đã kết hợp việc ăn kiêng và uống thuốc rất điều độ. Tuy nhiên một thời gian sau, khi đi khám lại, bệnh tình của tôi cũng không có dấu hiệu cải thiện. Bác sĩ khuyên tôi ngoài uống thuốc, tôi phải kết hợp cả dinh dưỡng và thể dục thể thao. Theo lời bác sĩ, tôi thực hiện chế độ đó trong 3 tháng. Đi khám lại lần nữa, lượng mỡ trong máu của tôi giảm hẳn”.