Hầu đồng mê muội, điêu đứng gia đình

 Hầu đồng là bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, vì bị một số người lạm dụng, làm méo mó ý nghĩa mà hầu đồng đã khiến không ít gia đình tan đàn, xẻ nghé...

Hầu đồng là bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam . Tuy nhiên, vì bị một số người lạm dụng, làm méo mó ý nghĩa mà hầu đồng đã khiến không ít gia đình tan đàn, xẻ nghé...

Từ bán nhà...

Chẳng biết từ bao giờ, bà Nguyễn Thị Dung (53 tuổi, ở Mai Dịch, Hà Nội) tự cho mình có căn, có số. Bà đi theo hầu đồng vì nghe một người bạn kể, từ nhiều năm nay người bạn bị bệnh tật triền miên, chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Rồi người bạn ấy đi hầu đồng và khỏi bệnh. Không biết câu chuyện này đúng tới đâu, bà Dung cũng muốn thử xem sao.

Hầu đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian khá phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Nasonphoto
Hầu đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian khá phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Nasonphoto

Nếu như mọi người chỉ hầu đồng một cách tiết kiệm với đồ trang phục đi thuê, hương hoa đơn giản và những đồng tiền phát lộc chỉ là tượng trưng... thì bà Dung khác hẳn. Để cuộc hầu đồng “linh ứng”, bà Dung sắm sửa đồ lễ hoành tráng hơn người.

Ngày đi hầu đồng ở Bắc Ninh, bà chở theo cả một khối đồ lễ khổng lồ lên một chiếc xe tải cỡ lớn. Nào là hoa quả, bia, rượu, nước ngọt, mì chính, bánh kẹo thuốc lá và đặc biệt là hàng lớp vàng mã được trang trí cầu kì. Rồi cỗ bàn cho hơn 100 người ăn trưa. Thêm cả một vali to đùng đựng đầy quần áo, có cả thảy gần 20 bộ trang phục khác nhau phục vụ cho giá đồng, mỗi bộ cũng tính tiền triệu.

Nhìn đồ sắm lễ, bà Dung rất đỗi hỉ hả. Màn tán lộc, bà Dung không tiếc tung ra những đồng tiền mệnh giá 50.000 đồng. Bà khoe, lần hầu đồng này bà rút két... 95 triệu đồng.

3 tháng sau ngày lên đồng, bà Dung thấy bứt rứt không yên. Theo bà thì dường như “mẫu” chưa ngấm nên bà chưa thấy khỏe mạnh và phát tài. Bà Dung quyết làm thêm chuyến hầu đồng tận Nghệ An cho... hiệu nghiệm. Rồi những chuyến hầu đồng ngày một dày đặc và số tiền chi trả vào hầu đồng không dừng ở 95 triệu đồng mà lên tới 400-500 triệu đồng.

Bà Dung quá lạm dụng hầu đồng đến nỗi 2-3 tháng không làm lễ hầu đồng là bà cảm thấy không yên. Chồng con khuyên bảo thế nào bà cũng chẳng nghe. Để có tiền hầu đồng, bà Dung khăng khăng đòi chồng con phải bán nhà, nếu không sẽ... bỏ nhà ra đi.

Cho tới bỏ chồng vì hầu đồng

Cũng quá lạm dụng, làm méo mó hầu đồng là chị Thu Trinh (32 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh). Là bác sĩ tại bệnh viện lớn, chị đến với hầu đồng qua một lần đi xem hầu đồng của một người thân. Sau lần đó, chị ham mê xem hầu đồng tới độ, cứ ai rủ đi là chị lại bỏ công việc khám chữa bệnh để đi. Tần suất trốn việc cơ quan để đi xem hầu đồng ngày càng nhiều đến độ bệnh viện đã cho chị nghỉ việc.

Nghỉ việc, thay vì lo lắng, tự dưng thấy có nhiều thời gian rỗi, chị Trinh bắt đầu tham gia hầu đồng. Những lần hầu đồng kéo dài liên miên khiến chị chẳng màng tới việc chăm lo gia đình.

Ngày trước, chị vốn là người vợ đảm đang tháo vát. Chồng và con chị ít khi ra ngoài ăn sáng vì lúc nào chị cũng dậy thật sớm nấu nướng. Nhờ có chị mà anh rất yên tâm cho công việc kinh doanh và con cái học hành giỏi giang.

Bây giờ, căn bếp nguội lạnh. Các con đang tuổi ăn tuổi học, thiếu bàn tay chị mà học hành sa sút. Chồng chị khuyên bảo không được, buồn chán viết đơn li dị. Chị Trinh tuyên bố: “Thà bỏ chồng còn hơn bỏ hầu đồng”.

Thảm cảnh vì “đồng đua”

Hầu đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian khá phổ biến ở Việt Nam , ở châu Á và nhiều nước trên thế giới. Một số nước đã ghi nhận giá trị của hình thức tín ngưỡng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể như Kut ở Hàn Quốc, Shaman ở Indonesia và Shaman ở Mông Cổ.

GS.TS.Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng dân gian (Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia) cho hay: “Việc hầu đồng hiện nay rất phổ biến ở Việt Nam và ngày càng phát triển mạnh. Hầu đồng là bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam . Đây là một diễn xướng dân gian, sân khấu tâm linh ở đó tích hợp những yếu tố về nghệ thuật, văn hóa”.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, hiện nay có nhiều trường hợp hầu đồng đã và đang bị lạm dụng và làm méo mó khiến người dân chưa hiểu hết được giá trị văn hoá đặc sắc của hình thức tín ngưỡng dân gian này. Nếu trước đây chỉ cần chiếc khăn đỏ đã có thể hầu đồng, quà phát lộc là vài trái táo tượng trưng, thì giờ đây, đã có những giá đồng chỉ riêng tiền phát lộc đã hàng chục triệu như trường hợp của bà Dung nói trên. Xu hướng “vật chất hóa” này đã làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của hầu đồng.

Bản chất của hầu đồng là tốt đẹp và không phải là một hoạt động mê tín dị đoan. Vấn đề là một số người đã lợi dụng lên đồng để mưu cầu một số điều không tốt. Có nhiều người tuy không có căn cốt đồng, nhưng cũng đua đòi hầu đồng. Dân gian thường gọi những người này là “đồng đua” giống nhân vật nữ bác sĩ Thu Trinh ở Bắc Ninh. Và nhiều thảm cảnh, nhiều gia đình tan vỡ cũng từ những kiểu “đồng đua”, giả say ăn tiền này.

Thùy Dương

Đọc thêm