Hậu Giang: Nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

(PLVN) -  Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên địa bàn tỉnh”.

Hậu Giang có hệ thống VBQPPL tương đối hoàn chỉnh. Các văn bản ban hành đều được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Về nội dung, các văn bản ngày càng sát thực tế, phù hợp và phản ánh kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp pháp luật. Về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản ngày càng được các cơ quan, đơn vị coi trọng, đặc biệt là các khâu, các bước cần thiết bảo đảm chất lượng của từng văn bản…Hình thức, thể thức văn bản cơ bản đáp ứng theo yêu cầu, hạn chế thấp nhất những sai sót về kỹ thuật trình bày.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9 năm 2023, HĐND và UBND các cấp đã ban hành 203 VBQPPL. Trong đó, cấp tỉnh ban hành 121 văn bản, cấp huyện ban hành 51 văn bản và cấp xã ban hành 75 văn bản. Nhìn chung, các văn bản đều đảm bảo về trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu thực hiện tự kiểm tra 77 quyết định; kiểm tra theo thẩm quyền 48/51 VBQPPL do UBND cấp huyện ban hành, qua kiểm tra phát hiện 2 văn bản có sai sót về nội dung, thể thức, qua đó đã đề nghị xử lý kịp thời theo quy định.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, đối với công tác xây dựng VBQPPL, hiện do Hậu Giang còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển nên nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Việc tham mưu xây dựng văn bản quy định chi tiết còn chậm do các cơ quan tham mưu còn lúng túng, chờ hướng dẫn từ Trung ương, dẫn đến một số văn bản ban hành còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ so với thời gian quy định.

Một số đơn vị chưa xem trọng việc khảo sát, điều tra, nghiên cứu sâu các quy định liên quan và yêu cầu thực tiễn nên việc xây dựng các quy định đôi khi không sát, tính dự báo không cao… Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, địa phương đã nêu rõ những hạn chế trong công tác xây dựng VBQPPL mà nhiều đơn vị, địa phương đang gặp phải, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, công tác xây dựng VBQPPL là nội dung quan trọng trong xây dựng thể chế, góp phần rất lớn phát triển kinh tế - xã hội Hậu Giang. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hệ thống VBQPPL của tỉnh tương đối toàn diện, đã và đang điều chỉnh hiệu quả các mặt của đời sống xã hội. Các văn bản được ban hành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản được nâng lên. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai đồng bộ.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi tọa đàm

Đối với những tồn tại hạn chế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tính chủ động, kịp thời rà soát toàn bộ hệ thống VBQPPL thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đồng thời, tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, chính sách không phù hợp nhằm bảo đảm hoàn thiện thể chế trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc hệ thống hóa VBQPPL nhiệm kỳ 2019-2023. Đặc biệt, phải tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật về xây dựng, ban hành VBQPPL, đảm bảo tham mưu ban hành văn bản đúng trình tự, thủ tục.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về Luật Ban hành VBQPPL cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tham mưu xây dựng văn bản quy định chi tiết nội dung được giao tại các VBQPPL của Trung ương bảo đảm chất lượng, tiến độ, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết. Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản, đặc biệt là các dự thảo có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Đọc thêm