Tăng cường tuyên truyền pháp luật trong học đường
Hằng năm, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Hậu Giang luôn tổ chức nhiều hội thi hướng đến tuyên truyền phổ biến pháp luật (PBGDPL) cho người dân. Cụ thể: Hội thi Hòa giải viên giỏi, Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi; Hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông; Hội thi “Pháp luật cho mọi người”.
Sau đó, tỉnh đã đổi mới hình thức thi viết sang thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật. Đặc biệt, để nâng cao hiểu biết pháp luật trong học đường, Sở Tư pháp đã phối hợp Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang tổ chức tuyên truyền, PBGDPL tại 15 điểm trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh và Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật và học đường”.
|
Pháp luật học đường giúp nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật và tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh |
Bằng hình thức vừa học vừa chơi giúp các em hào hứng, tích cực tham gia và trở thành tuyên truyền có ích cho xã hội. Em Nguyễn Thị Tuyết Trân (học sinh Trường THPT Vị Thanh) cho biết, “cuộc thi rất bổ ích, giúp em hiểu biết về luật giao thông, môi trường và bạo lực học đường. Em và các bạn rất hào hứng và nhiệt tình tham gia”.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết, các cuộc thi giúp các em học sinh hiểu biết và nâng cao kiến thức pháp luật. Qua đó, các em có thể trở thành tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa pháp luật và ý thức chấp hành đến với mọi người.
Đây còn là điều kiện thuận lợi để giáo viên nghiên cứu tìm hiểu để ứng dụng vào các môn lồng ghép. Theo ông Hiền, mô hình này rất thiết thực, hiệu quả, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp triển khai lâu dài và ngày càng lan tỏa rộng ra.
|
Nói chuyện chuyên đề pháp luật, đưa luật đến gần dân |
Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với các Trường Cao đẳng tổ chức phiên tòa giả định. Đây là điểm mới trong công tác tuyên truyền pháp luật giúp các em hiểu rõ được quy định pháp luật hiện nay. Bằng hình thức sân khấu hóa tái dựng một vụ án có thật, nội dung vụ án sát với thực tế, liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bị cáo là học sinh, sinh viên ham chơi, lêu lỏng.
Tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở
Thời gian qua, công tác tuyên truyền PBGDPL luôn được chú trọng, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn khó khăn của tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức và ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng nói chung, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Mưa dầm thấm lâu, nhận thức và hành vi của nhiều hộ dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi tích cực, khi được tuyên truyền liên tục, sâu rộng. Góp phần xóa đói, giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, để đồng bào tự tin vươn lên khắc phục khó khăn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Danh Huôl (người dân xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết, đây là lần thứ 2 ông tham gia triển khai chuyên đề về trợ giúp pháp lý. Mỗi lần ông lại hiểu thêm về các quy định của pháp luật. Điều này mang lại rất nhiều điều bổ ích.
|
Tuyên truyền pháp luật giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. |
Để nâng cao năng lực đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang thường xuyên kết nối giảng viên, báo cáo viên của Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh về các chính sách, chủ trương mới liên quan đến pháp luật môi trường.
Thông qua Lớp tập huấn, giúp cho đội ngũ cán bộ tư pháp, báo cáo viên pháp luật nâng cao kỹ năng chuyên môn, tham mưu, tư vấn, đề xuất cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị về những nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là nền tảng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đề án 315 về Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030.
Theo đó, phấn đấu tối thiểu 1 tập huấn viên cấp huyện trên 80 tổ hòa giải ở cơ sở. Tối thiểu 01 tập huấn viên cấp tỉnh trên 100 tổ hòa giải ở cơ sở. Ít nhất 10% tổ hòa giải ở cơ sở được luật sư, luật gia …hỗ trợ về chuyên môn pháp luật.
Ông Nguyễn Quốc Lai – Trường Phòng Tuyên truyền và Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang) cho biết, công tác hòa giải tác động rất lớn đến đời sống xã hội của người dân. Qua đó, kịp thời giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ở địa phương, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, góp phần tăng tỷ lệ hòa giải thành, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn.
|
Nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích cao trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật |