Giá quá cao?
Kết quả phiên đấu giá chỉ có 2 tổ chức mua 5,4%/VĐL tại Vinamilk là F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE.LTD. Thực chất đây là 2 công ty con của F&N và với việc mua thêm 5,4% cổ phần, NĐT này đã sở hữu 16,4% cổ phần của Vinamilk.
“Với việc không bán hết lô cổ phần (9%/VĐL) tạo cảm giác cổ phiếu VNM bị ế, điều này không đúng và không phản ánh nhu cầu mua cổ phiếu VNM từ các NĐT chiến lược…”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định.
Theo đại diện VAFI, phiên đấu giá đã không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính & TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặt ra là bán lẻ rồi tiếp tục chiaz nhỏ lô cổ phiếu để mong muốn tạo sự công bằng cho nhiều NĐT trong nước và quốc tế có cơ hội tham gia mua cổ phần tại Vinamilk.
Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra chính là do giá khởi điểm (144.000 đồng/cổ phần) cao hơn giá thị trường (khoảng 6-7%), trong khi quy mô của NĐT tài chính trong nước và quốc tế còn nhỏ bé, việc huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn rất khiêm tốn. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang ở giai đoạn một số NĐT nước ngoài thoái vốn để tái cơ cấu danh mục đầu tư, NĐT nước ngoài đang dễ mua cổ phần Vinamilk trên sàn chứng khoán với số vốn giải ngân có thể đạt được ở mức hàng trăm triệu USD.
Cùng với đó là việc Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn và thúc đẩy các DN đã CPH lên sàn, như vậy trong tương lai gần nguồn cung chứng khoán gia tăng giúp cho NĐT trong nước và nước ngoài có nhiều cơ hội lựa chọn.
Từ phân tích trên, ông Hải cho rằng: “Chẳng có NĐT chứng khoán nào dại dột lại đi mua cổ phiếu VNM cao hơn so với giá trên sàn”.
Nhà đầu tư tài chính hay nhà đầu tư chiến lược?
Việc F&N phải thông qua 2 công ty con của mình để mua thêm 5,4% cổ phần của Vinamilk với mức giá được cho là cao hơn thị trường trong khi không có NĐT nào quan tâm/hoặc chấp nhận mức giá đó cho thấy mức khống chế đăng ký mua tối đa 2,7% là quá hẹp với NĐT chiến lược.
Trả lời Báo PLVN tại cuộc họp báo sau khi công bố về việc bán đấu giá 9% cổ phần/VĐL của Vinamilk cuối tháng 11 vừa qua, Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Đức Chi khẳng định F&N chỉ là NĐT lớn sau SCIC chứ không phải NĐT chiến lược.
Với quyết tâm mua thêm cổ phần của Vinamilk cho thấy NĐT này đang mong muốn trở thành NĐT chiến lược của Vinamilk. Cách đây 1 năm, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng, F&N đã trao đổi thư với đại diện của Vinamilk và sẵn sàng chào giá 4 tỷ USD cho toàn bộ số cổ phần Nhà nước mà SCIC nắm giữ tại Vinamilk.
“Giả sử vẫn đặt mục tiêu những lần tiếp theo là bán cổ phần tại Vinamilk cho nhiều NĐT tài chính và theo giá thị trường, không theo giá cố định như trước thì thị trường không thể hấp thụ được lượng cung khổng lồ là 4 tỷ USD từ việc bán toàn bộ cổ phần Vinamilk, giá cổ phiếu VNM sẽ lao dốc, từ đó làm cho TTCK Việt Nam liên tục “đỏ lửa”, đại diện VAFI phân tích.
Theo VAFI, việc thoái vốn lô lớn cổ phần nhà nước tại nhiều DN CPH không thể trông chờ vào các NĐT tài chính mà phải dựa vào các NĐT chiến lược trong nước và nước ngoài. “Các NĐT chiến lược trong nước giờ đã rất lớn mạnh so với 10 năm trước kia, họ có khả năng bỏ ra vài trăm tỷ đến vài ngàn tỷ để mua DNNN CPH. Các NĐT chiến lược nước ngoài, các tập đoàn nước ngoài đang săn lùng cơ hội để mua DN tiềm năng trong nước để mở rộng phát triển nhanh thị trường thay vì thành lập DN mới, cho nên việc bỏ ra vài tỷ USD để mua cổ phần chi phối tại DNNN CPH là điều không khó...”, ông Hải nhận định.
Ông Hải cũng cho rằng, việc tăng cường thu hút vốn từ các NĐT chiến lược trong nước và ngoài nước sẽ là một cuộc cách mạng về thay đổi cơ cấu cổ đông và về tổng thể chỉ làm tốt cho TTCK và cho nền kinh tế.
Bán một lần, Nhà nước sẽ có lợi?
Với việc còn “ế” 3,6% cổ phần/VĐL chào bán đợt đầu tiên, theo VAFI là cái may bởi số cổ phần “ế” này cộng với tỷ lệ chưa bán 36%, sẽ làm cho lô cổ phần nhà nước 40%/VĐL trở lên hấp dẫn hơn nếu Nhà nước bán trọn lô này cho các NĐT chiến lược.
Từ đó, VAFI kiến nghị SCIC và Bộ Tài chính đừng trình Chính phủ phương án bán nốt 3,6%/VĐL nữa vì nếu làm như vậy, việc bán lô 36%/VĐLsẽ bị giảm giá mạnh. “VAFI mong rằng SCIC và Bộ Tài chính cần cầu thị để vì mục tiêu thu tối đa tiền bán cổ phần cho NSNN”, ông Hải đề nghị.
Trước đó, khi SCIC công bố bán 9% VĐL nhà nước tại Vinamilk, tổ chức này cũng đã có văn bản phân tích và đề xuất phương án bán một lần 45% VĐL của Nhà nước tại Vinamilk, như vậy NSNN sẽ được lợi 1 tỷ USD.
Dẫn một số thương vụ bán đa số cổ phần của DN tư nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam như: Thương vụ Doji Group bán 95% cổ phần của Diana cho Unicharm với giá 184 triệu USD; Thương vụ SCG mua 85% cổ phần của Prime Group với giá 240 triệu USD; Central Group mua 920 hệ thống Big C Việt Nam với giá 920 triệu Euro; Central Group mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim; TCC mua hệ thống Metro Việt Nam…, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAFI cho rằng phần lớn các thương vụ này đều chủ yếu theo hình thức thỏa thuận và có trường hợp tổ chức đấu thầu nhiều vòng như thương vụ Central Group mua hệ thống Big C Việt Nam…
Theo đại diện VAFI, bán cổ phần chi phối nhà nước tại DN lớn cũng nên như vậy, nên theo hình thức bán thỏa thuận hay bán đấu thầu với DN CPH đã niêm yết. Tuy nhiên vì là bán tài sản nhà nước, dễ bị các nhóm lợi ích chi phối nên VAFI đề xuất cần phải quy định công khai, minh bạch chi tiết phương thức đấu giá, lộ trình đấu giá cho NĐT biết, tạo thuận lợi cho NĐT tìm hiểu kỹ lưỡng, không vội vàng tổ chức đấu giá. VAFI cũng cho rằng, Nhà nước có thể ấn định giá khởi điểm cao hơn giá thị trường từ 20% trở lên khi tổ chức bán cho các NĐT chiến lược.
Theo VAFI, bán lẻ cổ phần cũng là phương thức phát triển lực lượng các NĐT trong nước và quốc tế nhưng chỉ nên áp dụng trong trường hợp IPO DNNN qui mô vừa và nhỏ tại các sàn giao dịch chứng khoán, hoặc IPO DNNN qui mô vốn lớn kinh doanh hiệu quả như Mobifone hay Viettel.
Giai đoạn đầu nhà nước có thể bán 10-15% tổng số cổ phần nhà nước cho hàng ngàn NĐT tham gia đấu giá và trở thành cổ đông công ty, sau đó đưa DN đó lên sàn, sau một vài năm củng cố hoàn thiện cơ chế quản lý mới, DN mạnh hơn trước, có giá hơn trước thì mới nên tính tới việc bán cổ phần lô lớn cho các NĐT chiến lược.