Mua thuốc dễ hơn mua rau
Tại một số quầy thuốc tư nhân ở trung tâm TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), một người đàn ông hỏi mua hai liều thuốc cúm, không cần kể bệnh cũng chẳng cần đơn thuốc, người bán lấy hai gói thuốc đã đóng gói sẵn giao cho khách rồi nhận tiền.
Cuộc mua bán diễn ra trong tích tắc trước sự ngỡ ngàng của phóng viên. Hỏi về việc tại sao có thể mua thuốc dễ dàng đến vậy, người này cho biết “Tôi mua thuốc ở đây lâu rồi cứ có triệu chứng cúm, sổ mũi hắt hơi là qua mua. Ở đây, bán thuốc tốt lắm mỗi lần ốm tôi chỉ cần hai, ba liều là khỏi nên cứ thế mua thôi”.
Vào vai khách hàng cần mua thuốc cảm cúm, phóng viên hỏi mua thuốc cúm cho người lớn bị cảm cúm thông thường. Trong khi khách hàng còn đang suy nghĩ về biểu hiện bệnh, cô dược sĩ này đã nhanh miệng chuẩn bệnh: “Đau họng, hắt hơi, xổ mũi”. Trả lời câu hỏi uống mấy liều là khỏi, dược sĩ này cho biết “Thường thường uống kháng sinh là năm đến bảy ngày là khỏi. Bây giờ cứ lấy cho ba ngày trước nhé, nếu mà đỡ hay chuyển sang ho thì ra lấy thêm”.
Ngay sau đó dược sĩ này mở hộp giấy lấy ra cho khách hàng 6 gói thuốc nhỏ đã được cắt sẵn và đóng gói kèm theo lời dặn “Sáng một liều, tối một liều, uống sau ăn. Thuốc này kháng sinh, kháng viêm, chống cảm cúm hắt hơi, sổ mũi với thuốc bổ”.
Tiếp tục khảo sát một vài hiệu thuốc khác trên địa bàn TP Thanh Hóa khi khách hàng hỏi mua thuốc cảm cúm thì ghi nhận hầu hết thuốc cúm đều có kháng sinh. Một số dược sĩ cho biết, việc các cửa hàng tách rời các loại thuốc rồi đóng gói, chia liều bán là sai vì người bệnh mắc cảm cúm thông thường không được dùng thuốc kháng sinh vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và không diệt được virut. Trừ trường hợp cảm cúm có bội nhiễm vi khuẩn gây viêm hô hấp (viêm mũi xoang, viêm họng, viêm phế quản…), khi đó bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có kháng sinh để điều trị.
Việc bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là các loại kháng sinh rất nguy hiểm, bởi ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc. Đặc biệt là gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra.
Chưa kể, việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế. Mua và dùng thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ cũng như dùng không đủ liều sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay. Khi đã bị kháng thuốc, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Bên cạnh đó không kiểm soát được hạn sử dụng, chất lượng thuốc cũng bị ảnh hưởng khi thuốc bị bóc trần.
Các loại thuốc chữa cúm không “lành” như ta nghĩ
Năm 2018, tại Mỹ một phụ nữ tên Soriana đã phải thay gan do sử dụng thuốc trị cúm không kê đơn. Tất cả những loại thuốc chị Soriana uống đều có chứa Acetaminophen – một thành phần phổ biến trong các loại thuốc trị cúm. Sau vài ngày, tuy cúm có giảm đi nhưng chị Soriana lại cảm thấy cơ thể ốm yếu hơn trước.
Các bác sỹ cho biết Soriana đã vô tình làm hỏng gan của mình. Acetaminophen, tuy là một chất trị cảm cúm hiệu quả, nhưng nếu lạm dụng quá nhiều thuốc chứa chất này, chúng sẽ phá hủy gan của người bệnh, thậm chí cướp đi mạng sống của họ. May mắn cô có được gan phù hợp để ghép ngay sau đó.
Còn tại Việt Nam đã ghi nhận không ít những ca nguy kịch hoặc tử vong do thuốc cúm. Tháng 9/2017, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân L.T (SN 1995, ở Sơn La) đã qua đời vì hôn mê gan dù được tích cực cứu chữa. L.T đã uống 19 viên Paracetamol 500mg để hạ sốt trong 2 ngày (liều tối đa 6 viên 500mg/24h). Bệnh nhân đến Trung tâm khi đã hôn mê, viêm gan rất nặng vì ngộ độc Paracetamol trên nền viêm gan B.
Tháng 3/2017, ông C.V.T (ở huyện Ninh Giang, Hải Dương) tự uống thuốc hạ sốt sủi mấy ngày không đỡ; rồi chán ăn, mệt mỏi, da vàng suộm như nghệ. Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán ngộ độc Paracetamol trên người có tiền sử men gan cao. Anh Nguyễn Minh T, 30 tuổi, ở Hải Phòng, sốt 39,5 - 400C, trong 3 ngày uống 16 viên hạ sốt có Paracetamol, sốt không giảm. Trung tâm chống độc Bạch Mai chẩn đoán ngộ độc Paracetamol trên bệnh nhân viêm gan A…
Thông tư số 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Song trên thực tế, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai không cần đơn.
Mặc dù mỗi cơ sở kinh doanh dược phẩm đều nắm rất rõ, có một số mặt hàng thuốc khi được bán ra cần có sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, dường như quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc. Và hầu hết, nhân viên các nhà thuốc vẫn vừa chẩn đoán bệnh, vừa kê đơn thuốc cho người dân công khai.
Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này đại diện Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của báo chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra đột xuất một số hiệu thuốc đã đề cập đến trong báo.
Sau khi kiểm tra đã xử phạt và nhắc nhở 3 cơ sở bán thuốc không kê đơn với tổng số tiền 25 triệu đồng”. Theo đại diện Sở Y tế Thanh Hóa các phòng chức năng của Sở sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn nắm được các quy định của pháp luật.
Cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.
Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.