Hãy khóc đi cho thỏa lòng…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - SEA Games 31 đã khép lại. Nhưng những cảm xúc mà giải đấu thể thao khu vực này mang lại vẫn mãi sẽ là điều khó quên trong tâm khảm mỗi người.
Vận động viên Lò Thị Hoàng trong vòng tay mẹ.
Vận động viên Lò Thị Hoàng trong vòng tay mẹ.

Đã có rất nhiều nước mắt của vận động viên rơi khi đứng trên đỉnh cao chiến thắng hay thất bại. Đó là nước mắt vỡ òa sau những ngày tháng luyện tập căng thẳng và kỳ vọng tại đấu trường.

SEA Games là một giải đấu thể thao khu vực. Nếu ai đó bĩu môi chê giải “ao làng” cũng chả sao, vì nó nằm trong khuôn khổ nhỏ hẹp, để các vận động viên các nước có dịp tranh tài. Nhưng đây lại là bước đệm quan trọng để bước ra châu lục và thế giới.

Giải đấu tầm khu vực, nhưng không phải quá dễ dàng. Các vận động viên đến đây thi đấu đều phải tranh đấu rất lớn, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Và khi họ vượt qua đối thủ, có được tấm huy chương dù vàng, bạc hay đồng đều rất quí giá và đặc biệt.

Felisberto De Deus đi vào lịch sử Timor Leste khi là người đầu tiên giành huy chương môn điền kinh SEA Games 31. Không những vậy, anh còn giành cú đúp Huy chương Bạc 5.000m và 10.000m. Và nhìn anh xúc động biết bao khi đi tìm lá cờ Tổ quốc Timor Leste để quàng lên thân mình, cảm ơn người hâm mộ và cũng ghi dấu ấn của quốc gia nhỏ bé hơn 1 triệu dân có được tấm huy chương quí giá ở một đại hội thể thao lớn. Đối với Felisberto De Deus, SEA Games dường như là cả thế giới. Felisberto tâm sự với người viết rằng, anh theo đuổi điền kinh để muốn giới thiệu hình ảnh đất nước của mình ra thế giới. Anh đã rơm rớm nước mắt khi nhắc đến từ “first time” - lần đầu tiên.

Vận động viên Khuất Phương Anh bật khóc sau khi giành Huy chương Vàng.

Vận động viên Khuất Phương Anh bật khóc sau khi giành Huy chương Vàng.

Ở lễ trao giải, cả Nguyễn Văn Lai và Lê Văn Thao đều nhường cho người bạn mới của mình chụp ảnh trước như thể hiện sự trân trọng dành cho những cố gắng, nỗ lực của Felisberto De Deus. Nhiều khán giả Việt Nam đã nán lại, xin được chụp ảnh cùng vận động viên người Timor Leste.

Những câu chuyện như vậy không thể là chuyện “ao làng” mà là “biển lớn” tâm hồn các vận động viên mang tới thông điệp của sức mạnh và tình bằng hữu.

Vận động viên Khuất Phương Anh đã xuất sắc về nhất ở chung kết nội dung chạy 800m nữ để mang về tấm Huy chương Vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Phải chờ đến lần thứ 3 tham dự, cô gái người Hà Nội mới giành được tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp. Sau khi về đích, Phương Anh chạy đến vị trí của huấn luyện viên Nguyễn Thị Bắc và cả hai cô trò ôm nhau trong niềm hạnh phúc lớn lao bởi trước đó cô chỉ về nhì ở 2 kỳ SEA Games 2017 và 2019.

Trả lời phỏng vấn, Phương Anh nói trong nghẹn ngào: “Tôi đã thực hiện được lời hứa với huấn luyện viên 2 năm trước… Cảm ơn tất cả mọi người đã dành tặng những lời cổ vũ cho tôi. Với tôi, chiến thắng này không dành tặng riêng bất cứ ai mà nó dành tặng cho tất cả mọi người. Tôi đã né tránh những câu hỏi về mình rất nhiều trước khi SEA Games diễn ra và giờ đây, tôi đã giải tỏa được và muốn nói ra hết nỗi lòng của mình”.

Vui sao nước mắt lại trào, nhưng cũng có những giọt nước mắt rơi vì tiếc nuối, thất bại, khi kỳ vọng giành huy chương của mình không như mong đợi. Họ đã âm thầm luyện tập trong thời gian dịch bệnh COVID-19 và khi sân chơi SEA Games mở ra tất cả vận động viên đều mong muốn thể hiện mình với tinh thần: nhanh hơn, cao hơn, xa hơn, nhưng người đứng trên bục vinh quang chỉ có một.

Đó là giọt nước mắt của Đinh Thị Bích tại đường đua 800m nữ. Cô đã va chạm với đối thủ khác và đổ gục đau đớn khi gần về đích. Thất bại không mong muốn đó khiến Bích mất đi cơ hội tranh chấp huy chương. Với Bích đây là một SEA Games đáng quên trong sự nghiệp.

Nụ cười, nước mắt trong thể thao cũng là câu chuyện của cuộc sống. Sự phấn đấu để có được thành quả tốt đẹp là điều hạnh phúc, nhưng đời sống luôn đầy cạnh tranh, sai lầm, nên không phải lúc nào sự khổ luyện sẽ có điều hân hoan, mà nhiều khi nó còn có sự bất công, thất bại.

Tôi luôn nhớ những bước chạy thần tốc của Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Hồng Lệ, Nguyễn Thị Huyền… khi về đích. Tôi không quên sự mạnh mẽ của võ sĩ Bạc Thị Khiêm, niềm vui trong nước mắt của gia đình vận động viên ném lao Lò Thị Hoàng… Họ đã khóc trong sự hò reo của người hâm mộ. Khung cảnh được vinh danh đó sẽ không bao giờ quên trong sự nghiệp vận động viên.

Nước mắt đó là một dấu ấn trong đời sống. Thành công cũng rơi lệ, thất bại cũng hờn tủi. Nên cứ khóc thôi cho thỏa lòng, để rồi ngày mai lại ngẩng đầu tiếp bước…