Thế mới nói rằng, “Điều vinh quang nhất của con người không phải ở chỗ không bao giờ vấp ngã, mà chính là vươn lên từ mỗi lần vấp ngã”. Làm người mấy ai có thể nói không bao giờ sai, nhưng dùng sự tử tế để sửa chữa sai lầm của mình thì cũng mấy ai làm được?
Hai cậu bé và “món quà của sự tử tế”
Ở câu chuyện thứ nhất, ngày 11/11/2016, trên đường đi học về, em Nguyễn Thế Tùng - học sinh lớp 11B1, Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng vô tình va vào một chiếc ô tô đỗ bên đường và khiến chiếc gương bị vỡ. Với tâm lý của một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chưa làm ra tiền nên khi thấy mình làm vỡ đồ của người khác, em rất hoảng sợ.
“Nhưng lo sợ ban đầu đó cũng qua nhanh thay vào đó là suy nghĩ: Nếu mình bỏ đi thì chủ xe sẽ phải tự bỏ tiền ra để sửa hậu quả do mình làm hỏng của họ. Em cố tình tìm kiếm chủ xe để xin được đền nhưng không thấy. Do vội về nhà để kịp đi học nên em đã lấy bút và mảnh giấy trong cặp sách ra viết lời nhắn để lại rồi dán lên xe. Khi em đạp xe đi khỏi đó, trong lòng đã không còn sợ hãi mà thấy rất thanh thản”, Tùng chia sẻ.
Lời xin lỗi viết vội để lại trên kính xe của người bị vỡ gương ngắn gọn có hơn 30 chữ nhưng đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng: “Do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại ( 0949xxx…) để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai”.
Sau khi ra xe nhìn thấy chiếc gương bị vỡ nhưng lại đập vào mắt ngay lời xin lỗi bên cạnh của Tùng, anh Nguyễn Hữu Chung (bác sĩ trú tại thành phố Hải Phòng, chủ chiếc xe) thay vì tức giận thì lại thấy rất vui. Anh đã gọi đó là “món quà nhỏ”. Anh Chung đã gọi điện thoại cho Tùng theo số điện thoại để lại trên tờ giấy. Tuy nhiên cuộc điện thoại đó không phải là để ra giá hay bắt đền mà là một lời khen ngợi về sự dũng cảm nhận lỗi của cậu bé.
Ở câu chuyện thứ hai, ngày 3/12/2016, câu chuyện về một cậu bé học lớp 2 khoanh tay xin lỗi khi đi xe đạp tông trúng taxi trở thành tâm điểm chú ý trên mạng. Kể lại tình huống này, anh Nguyễn Hùng Sơn cho biết khoảng 7h30 ngày 3/12, taxi của anh dừng trên đường Đào Nhuận (phường Kênh Dương, TP Hải Phòng), bất ngờ bị một cháu bé chạy xe đạp tới tông trúng đầu ôtô. "Lúc này, tôi đang ngồi trong xe, thấy cậu bé đứng hồi lâu không chịu đi nên mở cửa kính ra hỏi. Bé nhanh chóng khoanh tay và nói 'Cháu xin lỗi'. Tôi khá bất ngờ với hành động lễ phép, ngoan ngoãn của cậu bé, do đó, chỉ cười và giục cháu mau về nhà không bố mẹ lo", anh Sơn kể.
|
Sau khi xe đạp quẹt trúng ôtô, cậu bé 7 tuổi đã dừng lại, khoanh tay xin lỗi tài xế |
Theo nam tài xế, anh lái taxi nên đi đường thường xuyên va quẹt. Những lúc như vậy, người thì phóng đi thật nhanh vì sợ bị bắt đền, người thì chửi, thậm chí còn đòi đánh mình. Cậu bé này là trường hợp đầu tiên nói xin lỗi anh. Đặc biệt, ngay hôm xảy ra vụ việc, cha mẹ nam sinh lớp 2 đã hẹn gặp mặt anh Sơn và dẫn theo cậu bé đến xin lỗi.
Dù xe bị va quẹt, anh Sơn vẫn cảm thấy rất vui. Với nam tài xế, cậu bé là món quà đặc biệt mà anh muốn chia sẻ với bạn bè, người thân và hy vọng mọi người sẽ thấy được những điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Sự tử tế bị bỏ quên thì thành công dù rạng rỡ cũng chỉ là hư ảo
Mấy ngày gần đây, câu chuyện về những thí sinh gian lận điểm thi ở hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình luôn làm nóng truyền thông và mạng xã hội. Người ta tranh cãi nhau quanh câu hỏi nên hay không nên công khai danh tính của những thí sinh ấy. Phe nào cũng có những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình mà quên mất một câu hỏi rằng: Những thí sinh ấy sẽ đứng dậy thế nào sau vấp ngã, bởi cuộc đời phía trước còn dài lắm? Công khai hoặc che giấu danh tính liệu có giúp các em, sau cú vấp ngã đau đầu đời có thể tự đứng dậy bằng sự tự tế của chính mình để sống tiếp và thành công hay không?
Làm người mấy ai có thể nói không bao giờ sai, nhưng dùng sự tử tế để sửa chữa sai lầm của mình thì cũng mấy ai làm được. Thế nên, trong cuộc sống này, chúng ta nhiều khi không tránh khỏi những lần vô tình lơ đễnh làm rơi cái này, làm hỏng cái kia của người khác. Nhưng buồn thay có nhiều người chọn cách giả vờ "lãng quên" và "lờ đi" như thể đó không phải lỗi của mình và nhanh nhẹn bỏ đi trước khi bị phát giác. Và một khi sự tử tế bị bỏ quên thì thành công dù rạng rỡ cũng chỉ là hư ảo.
“Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” là tên một cuốn sách của tác giả Inamori Kazuo. Ông là nhà sáng lập hãng điện tử khổng lồ Kyocera, hãng điện thoại KDDI, nguyên Chủ tịch Hãng Japan Airlines. Tác giả chỉ ra nguyên nhân “chính tâm hồn thiếu vắng sự tử tế đang ngày càng lụi bại đã làm người Nhật xấu xí đi. Và nó cũng là nguyên nhân chính tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội Nhật ngày nay”.
|
Lời xin lỗi của nam sinh Nguyễn Thế Tùng để lại trên chiếc xe ô tô |
Thông qua cuốn sách “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”, tác giả Inamori Kazuo chia sẻ về những suy nghĩ làm người chân chính. Là một nhà kinh doanh và lợi nhuận luôn là điều quan trọng, nhưng ông viết: Chỉ cần mỗi người gọt bớt lòng tham của mình, chịu tổn thất một chút, hay chỉ cần chúng ta dũng cảm nhường chút lợi của mình cho người khác, mọi việc sẽ suôn sẻ, trôi chảy.
Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người. Đó chính là phương thuốc cho thời đại, là triết học để mọi người sống đúng đắn, là đạo đức chân chính. Chỉ cần thay đổi “lợi kỷ” (chỉ biết có mình) sang “lợi tha” (vì người khác, vì nhân viên, vì xã hội), ta sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh, lúc đó dù là công việc hay trong đời sống, mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp. Chúng ta luôn nghĩ cách sao cho có lợi nhất đối với việc kiếm tiền của mình, nhưng thật ra không nên vậy.
Như nhà tư tưởng, triết gia Ishida Baigan đã nói: “Người kinh doanh thực thụ phải nghĩ về khách hàng và nghĩ về mình”, tức là phải kiếm tiền thế nào mà khách hàng/đối tác cũng cảm thấy vui. Đây là lời giáo huấn sắc bén, đỉnh cao trong kinh doanh.
Thế đó, sự tử tế ở đời lúc nào cũng cần, ngay cả khi bạn đã vấp ngã, vì chính nó là đôi cánh nâng bạn đứng dậy một cách vững chắc nhất. Sai lầm của bạn rồi mọi người cũng quên đi, nhưng sự tự tế của bạn để sửa chữa sai lầm đó thì mọi người sẽ nhớ mãi, như câu chuyện của hai cậu bé kể trên và như câu chuyện kể dưới đây để kết thúc bài viết này.
Một buổi chiều ngày 30/9/2016, Nguyễn Khánh Huyền, sinh năm 1997, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân gửi xe máy ở một bãi gửi xe. Khi ra lấy xe thì cô thấy một chiếc gương hậu của mình đã bị ai đó làm gãy.
Nhưng người làm gãy gương đã không bỏ đi mà theo chia sẻ của Khánh Huyền, sau khi vô tình làm gãy chiếc gương đã ngay lập tức đi mua một chiếc mới rồi đặt lên yên xe của cô kèm theo lời xin lỗi: "Gương mới, xin lỗi". "Lúc mới phát hiện gương xe bị gãy, mình ngạc nhiên và có hơi tức giận nhưng đến khi nhìn thấy chiếc hộp cùng dòng chữ xin lỗi, mình lại thấy vui nhiều hơn là giận", cô gái nhận được chiếc gương xe mới cùng lời xin lỗi chia sẻ…