Anh đã thẳng thắn thừa nhận rằng đây là “một chiêu trò nhỏ” để người xem cảm thấy hứng thú khi xem mình và nói thẳng ra là để người ta thích thú mua hàng của mình giữa hàng trăm ngàn cái livestream rao bán trên mạng.
Một trang fanpage trên facebook có tên “Thanh Trần” có tới hàng nghìn lượt like và theo dõi, đơn giản chỉ vì người này có những phát ngôn “chất ngất” dạy đời các em gái về các chủ đề tình yêu, hoặc các bài giảng đạo lý làm người, thậm chí là “chửi tung xới” những cái tên hay những sự kiện gây ngang tai trái mắt người này.
Một sự việc khác từng gây phẫn nộ với dư luận là trong đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ tại chùa Ấn Quang (quận 10- TP HCM). Trong lúc tang gia bối rối và không khí buồn thương nơi đây thì ở đâu dân tình khắp nơi kéo đến nháo nhào chen lấn xô đẩy đưa điện thoại lên livestream về buổi lễ viếng danh hài nổi tiếng như một sự lạ lùng phấn khích gây ra tình trạng náo loạn và phản cảm...
Bày tỏ quan điểm trước sự việc này với truyền thông, PGS. TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Bản thân livestream sự kiện này không có gì là xấu nếu như mục tiêu là tạo cơ hội cho người nào ngưỡng mộ người đã khuất mà không có điều kiện đến dự, tuy nhiên thái độ và văn hóa ứng xử của những người xung quanh khi livestream mới là vấn đề cần bàn đến”. Nhiều nghệ sĩ đến viếng đám tang đã bày tỏ nỗi bức xúc và gọi hành vi livestream để câu view như vậy là “quá tàn nhẫn”, “quá vô cảm” khi người ta kiếm tiền trên nỗi đau của người khác.
Phải chăng chính là thị hiếu ngày càng “kì cục” của khán giả đã “động viên” cho những hành vi lệch lạc của những livestream trên mạng xã hội ngày nay? Bởi những điều bất thường diễn ra từ cuộc sống bình thường ắt hẳn sẽ gây được hiệu ứng đặc biệt của người xem, nên phần đông khán giả đại chúng sẽ chú ý hơn đến những hiện tượng “khác lạ, nửa mùa” như Phạm Văn Thoại.
Ngoài ra, cũng “chính sự vào cuộc, những comment của người xem trên livestream đã làm cho cá nhân càng có xu hướng hành động không theo chuẩn mực, không theo sự kiểm soát”, theo PGS. TS Trần Thành Nam. Như một quy luật bắc nhịp “cung cầu”, muốn mình được chú ý đến thì phải độc phải lạ, mà độc là phải chửi bới mới được người ta biết đến, chúng ta tạm gọi đó là nổi tiếng gắn liền với “thị phi”.
Dù những ý kiến nhận xét từ phía khán giả dù là khen chê thì cũng là một hiệu ứng đẩy nguồn tin của các streamer để nhiều người biết đến theo cách truyền tai về sự khác lạ. Chưa kể đến việc, nếu được người xem ủng hộ đồng tình thì đây càng làm nguồn động lực để các streamer tạo ra nội dung tương tự nhiều hơn.
Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội thì tính năng livestream đang ngày càng được mọi người sử dụng nhiều. Chính sự dễ dàng này đã tạo ra thực trạng lạm dụng quá đà gây nên nhiều mặt trái đáng lo ngại. Tất cả những điều này, vô hình trung góp phần cổ súy cho nhiều streamer kiếm tiền bằng mọi giá, bao gồm làm những hành động vô văn hóa để câu view. Nếu chăng, người xem thông tin biết nói không với văn hóa ứng xử thô tục trên mạng, quay lưng lại với những nội dung vô bổ, thiếu lành mạnh thì hiện tượng “livestream vô cảm” này mới có thể chấm dứt?.