Hè đến, lại “nóng” chuyện dạy bơi cho trẻ

(PLO) - Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao so với các nước trong khu vực, mỗi năm có khoảng 3.500 vụ trẻ bị đuối nước. Đưa dạy bơi vào chương trình ngoại khóa và triển khai công tác phòng chống đuối nước là chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến hè là chuyện dạy bơi lại “nóng”…
Hè đến, lại “nóng” chuyện dạy bơi cho trẻ

Bao giờ với tới mục tiêu “năm 2020 có trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi”?

Vụ đuối nước xảy ra gần đây nhất vào ngày 1/5 tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nạn nhân là em Nguyễn Tấn Hùng, học sinh lớp 8, ở xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức. Chiều 30/4, Hùng cùng gia đình đi tắm biển tại bãi tắm xã Bình Minh, huyện Thăng Bình thì gặp dòng nước xoáy cuốn ra xa, khi tìm thấy thì Hùng đã tử vong. Cũng trong ngày 30/4, em Nguyễn Xuân Thạch cùng 3 người bạn là học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, rủ nhau đi tắm tại bãi biển phía trước ngã ba đường Độc Lập - Nguyễn Hữu Thọ, thuộc phường 9, TP Tuy Hòa, trong lúc đang bơi thì gặp đợt sóng lớn nhấn chìm. 30 phút sau thi thể Thạch được tìm thấy.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6 - 15 tuổi. 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn. 100% số xã, phường thực hiện loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. 

Trước đó, từ tháng 2/2010, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các Sở GD&ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước. Cũng trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, đảm bảo 100% số trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa và đến năm 2020 sẽ phổ cập bơi thành công cho học sinh phổ thông và mầm non. 

Nhưng tại nhiều địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có diện tích hồ ao, sông suối nhiều, việc phổ cập bơi cho học sinh lại chưa được chú ý. Theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến số lượng trường học được đầu tư bể bơi rất ít (hầu như chưa có), không có giáo viên dạy bơi. 

Nhận định này đã được minh chứng bằng thông tin “tổ chức dạy bơi cho học sinh ở Hà Nội hiện thiếu cơ sở vật chất” vừa được đưa ra tại Hội nghị đánh giá công tác phổ cập bơi và triển khai kế hoạch hoạt động hè năm 2017 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây. Theo đó, khó khăn nhất trong tổ chức dạy bơi cho học sinh ở Hà Nội hiện nay là thiếu cơ sở vật chất. Một số trường có diện tích để xây bể bơi nhưng không huy động được vốn và ngược lại trường có khả năng huy động được vốn lại không có diện tích. Thậm chí những trường đã đầu tư xây dựng bể bơi mini nhưng thiếu kinh phí duy trì hoạt động của bể bơi. Hầu hết các trường đang thiếu đội ngũ giáo viên tiểu học có chuyên môn bơi để dạy bơi cho học sinh. Số lượng bể bơi nước nóng ở các nhà trường rất ít, nên chỉ tổ chức dạy bơi cho học sinh trong các tháng mùa hè.

Đừng chỉ đổ lên vai ngành Giáo dục

Tuy nhiên, việc các trường thiếu bể bơi và thiếu giáo viên không phải là không có cách giải quyết. Ví như thành phố Quảng Ngãi đã tổ chức khóa dạy bơi cho thanh, thiếu niên ngay trên dòng sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Long. Sau TP Quảng Ngãi, một số xã, phường trên tỉnh cũng tận dụng đoạn sông thuận lợi nhất để làm hồ bơi hướng dẫn học sinh thuần thục kỹ năng bơi lội trên sông. 

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường cũng là một cản trở đối với việc dạy bơi cho trẻ. Nói về vấn đề này,  bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức nêu thực tế: “Hiện nay, thực trạng ô nhiễm môi trường xảy ra rất nghiêm trọng nên việc tổ chức cho học sinh học bơi ở sông, hoặc hồ rất hạn chế. Đối với Mỹ Đức, hiện nay toàn huyện đang nỗ lực tập trung mọi nguồn kinh phí để xây dựng đủ phòng học cho học sinh, nên vấn đề đầu tư xây dựng bể bơi đối với Mỹ Đức là điều chưa thực hiện được. Hiện nay chưa có một bể bơi nào trong và ngoài nhà trường, kể cả trung tâm thể dục thể thao chúng tôi cũng chưa có bể bơi”.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế, tồn tại và phát huy hơn nữa công tác phổ cập bơi, thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục thì cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh coi đây là trách nhiệm của cả cộng đồng; giáo dục kỹ năng, xử lý tình huống và biết cách phòng, tránh các nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn đuối nước; biết tìm sự giúp đỡ của người lớn khi có sự cố xảy ra.

Đọc thêm