Hé lộ chi tiết vụ khủng bố ở Oslo, Na Uy

Một số nguồn tin từ Na Uy vừa tiết lộ thông tin chi tiết quá trình nghi phạm Anders Behring Breivik thực hiện vụ đánh bom tại thủ đô Oslo. Ngoài ra, giới chức an ninh cũng nghiêng về giả thuyết tên sát nhân máu lạnh đã lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công một mình.

Một số nguồn tin từ Na Uy vừa tiết lộ thông tin chi tiết quá trình nghi phạm Anders Behring Breivik thực hiện vụ đánh bom tại thủ đô Oslo. Ngoài ra, giới chức an ninh cũng nghiêng về giả thuyết tên sát nhân máu lạnh đã lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công một mình.
Hiện trường vụ đánh bom. Ảnh BBC
Hiện trường vụ đánh bom. Ảnh BBC

Theo tờ báo Anh Telegraph, Anders Behring Breivik đã thản nhiên đỗ chiếc xe tải chở nửa tấn bom ngay cạnh tiền sảnh văn phòng Thủ tướng Jens Stoltenberg. Các nhân viên an ninh tại tòa nhà cũng đã nhìn thấy chiếc xe nhưng không ngăn cản Breivik vì khi đó tên này đang mặc đồng phục cảnh sát. Chỉ 2 phút sau, quả bom đã phát nổ. Vì khoảng cách giữa chiếc xe và tòa nhà khá gần nên sức ép từ vụ nổ đã khiến tất cả cửa kính tại khu nhà vỡ tan và cướp đi sinh mạng của 8 người.

Chế bom giữa nhà

Cho đến nay, cảnh sát vẫn giữ bí mật những động thái của Breivik trong quá trình thực hiện vụ đánh bom ở Oslo cũng như vụ nổ súng thảm sát ít nhất 76 người tại đảo Utoya hôm 22/7. Tuy nhiên, Teknish Ukeblad – một tạp chí chuyên về kỹ thuật của Na Uy - đã thu thập được thông tin về hành trình của hai chiếc xe mà Breivik thuê qua hệ thống mạng lưới máy cảm biến và camera giám sát.

Theo ghi nhận của tạp chí này, Breivik đã chế tạo quả bom ngay tại ngôi nhà mà hắn thuê, cách thủ đô Oslo khoảng 160km. Một số nguồn tin cho rằng, tháng 9 năm ngoái, Breivik đã mua 32 lít nhiên liệu dùng cho các phương tiện giao thông đường không từ hai cửa hàng khác nhau. Rất có thể số nhiên liệu này đã được tên sát nhân sử dụng để chế tạo bom.

Và một tuần trước khi xảy ra vụ thảm sát, Breivik đã thuê một chiếc xe tải Volkswagen Crafter và một xe tải nhỏ Fiat Doblo, với mục đích dùng chiếc Volkswagen để chở bom còn chiếc Fiat sẽ dùng để chạy trốn.

Cảnh sát từ chối tiết lộ chính xác địa điểm Breivik đặt bom, nhưng những bức ảnh chụp hiện trường cho thấy một hố lớn ngay bên ngoài cổng ra vào của văn phòng Thủ tướng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có một tầng hầm bên dưới thì có lẽ cả toà nhà đã sụp đổ. Cơ quan khẩn cấp và an ninh Na Uy đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề vì phản ứng một cách chậm chạp.

Ngoài ra, một thông tin mới được công bố hôm đầu tuần đã khẳng định, từ tháng 3/2011, Cơ quan tình báo Na Uy đã liệt Breivik vào diện cần theo dõi khi y mua một lượng lớn hoá chất từ một công ty của Ba Lan.

Tuy nhiên, cơ quan này từ đó đã không tiến hành điều tra thêm. Bên cạnh đó, Breivik cũng được ghi nhận là một thành viên tích cực của câu lạc bộ bắn súng Oslo từ năm ngoái.

Hành động một mình

Một quan chức cảnh sát hàng đầu Na Uy hôm 28/7 cho biết, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Breivik không có đồng lõa và âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch của hắn hơn một thập kỷ qua.

Các chuyên gia chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/7 cũng đã có một cuộc họp đặc biệt với các đại diện Na Uy để bàn về các biện pháp ngăn chặn một cuộc thảm sát tương tự trong tương lai. An ninh khu vực hiện đang được đặt trong tình trạng báo động cao.

Cảnh sát Hà Lan cho biết, họ vừa bắt giữ một người đàn ông đặt mua 10kg phân bón từ Ba Lan để chế tạo thuốc nổ. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, không có mối liên quan giữa 2 vụ việc và đối tượng tại Hà Lan khai nhận mua số phân bón trên để chế pháo hoa.

Học đòi truyện giả tưởng?

Trong khi công tác điều tra vẫn đang được tiến hành thì mới đây, một nhà văn người Na Uy đã lên tiếng khẳng định, vụ xả súng trên đảo Utoeya giống hệt với nội dung một cuốn sách ông viết cách đây 23 năm về một kẻ có  tư tưởng chính trị cực đoan đã thực hiện vụ giết người hàng loạt trên một hòn đảo.

Theo tiểu thuyết gia Jon Michelet, ông đã “kinh hãi bởi sự giống nhau đến đáng sợ” giữa vụ thảm sát hôm 22/7 trên đảo Utoeya với nội dung cuốn truyện “Thygesen’s Terrorist” (Tạm dịch Kẻ khủng bố Thygesen) được ông viết năm 1989.

“Thật khủng khiếp và đáng sợ khi một câu chuyện hư cấu đã trở thành hiện thực nghiệt ngã trên hòn đảo Utoeya” – ông Jon Michelet phát biểu trên kênh truyền hình NRK của Na Uy. “Tôi cảm thấy kinh hãi khi thấy sự giống nhau đến đáng sợ giữa những việc xảy ra ở Utoeya và ở trong cuốn truyện”.

Vị tiểu thuyết gia cho biết, cuốn truyện này kể về hành trình thực hiện một vụ giết người hàng loạt trên một hòn đảo gần thủ đô Oslo của một kẻ có tư tưởng chính trị cực hữu.

Tuy nhiên, cuốn truyện của ông được viết ra là để cảnh báo về hành động của những phần tử chính trị cực đoan. “Cuốn sách là lời cảnh báo về việc các học thuyết chính trị bị bóp méo bởi sự căm thù có thể khiến một số cá nhân có những hành động cực đoan”.

Hà Dung (Theo AP, Telegraph)