Hé lộ công nghệ 'tô trét' thần tượng gây sốc

Nhiều nghệ sĩ không chỉ sống ảo với chiêu trò từ bi, chặt chém trên facebook hay bỏ tiền mua tin nhắn bình chọn cho mình rồi mua like để tô son trét phấn trên trang cá nhân mà ngay cả khi bước vào sô diễn thực, họ cũng quyết đem cái ảo ra để thu hút khán giả về độ 'hot' ảo của bản thân.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Phía sau cơn mưa gấu bông, hoa 'khủng'
Ngay cả với nam ca sĩ H tuy được gọi là giọng ca ăn khách nhưng vẫn phải trông cậy vào các công ty "chim mồi" khi sự nghiệp đang đi xuống.  Các nghệ sĩ tự nhận mình là sao mà không được giới chuyên môn công nhận hay có lượng fan khủng bu kín khán phòng, sân khấu thì có nghĩa là không còn 'hot'. Và thực tế đã có không ít nghệ sĩ cậy nhờ chiêu trò này để "khoe" năng lực bản thân, lên mặt với đồng nghiệp về lượng fan khủng mà để có, họ phải bỏ tiền để mua.
Tiếp thị từ bãi xe là chiêu của công ty cung cấp khán giả X. Công ty được thành lập từ T, một anh chàng hoạt động lâu năm trong giới giải trí của tập đoàn L. Sau đó, anh ta cùng người yêu tách riêng, ra lập công ty trên đường HVB. Tay này từng tạo nhiều cú bứt phá không đến từ khả năng cung cấp nhân sự ảo cổ xuý cho nghệ sĩ muốn "một phút thành ngôi sao" mà luôn có thủ đoạn chặt chém đối thủ của khách hàng mình qua trò lôi kéo fan khá xấc. 
Quân của T toả khắp các bãi xe gần nơi sô diễn ra, cho người câu fan bằng chi phí xăng xe cao hơn hay tặng luôn bánh mì, vé mời cho fan nào nhận lời về phe mình. Sau đó T lùa fan vào vị trí tập kết, bất kể họ chỉ mới đây thôi là người nhà của một ca sĩ khác.
Trò câu kéo bát nháo diễn ra ngay trước mỗi sô diễn, sô ghi hình của một chương trình khiến cả người trong nghề cũng ngán ngẩm khi gấu bông, hoa to luôn chực chờ được fan bưng bê tranh nhau tặng cho "ngôi sao". Nam nghệ sĩ lão thành Q kể lại: "Mấy đứa trẻ không chỉ làm trò với khán giả mà ngay cả đàn anh đi trước cũng bị tụi nó dằn mặt luôn".
Nữ ca sĩ tên tuổi khác thì phát ngán cho biết: "Tại sô hát TKV..., khi nhiều nghệ sĩ lớn tuổi đang ở trong cánh gà, tập trung cho phần trình diễn của mình thì có 4-5 bạn trẻ ôm gấu bông to, hoa khủng phi vào bên trong hô tên "thần tượng". Bạn nghệ sĩ trẻ ấy thản nhiên: Chị đây, tụi em đừng vào đây. Hâm mộ là được rồi, quà gì nữa rồi hôn nhiên xà xuống, bắt tay, rồi đèn máy ảnh tíu tít liên tục.
Tôi đứng cạnh một fan, thấy vậy liền hỏi: Em thích bài nào của chị T nhất? Cô gái hâm mộ nhoẻn miệng: Bài nào chị ấy hát cũng hay. Khi tôi bất ngờ hỏi tên một ca khúc, cô ta trả lời: Em thích bài Tình yêu... Khổ nỗi bài này lại không liên quan đến nữ ca sĩ T.".
Một đêm diễn cuồng nhiệt như thế với khán giả thật bao giờ mới trở lại?
Một đêm diễn cuồng nhiệt như thế với khán giả thật bao giờ mới trở lại? 
Đủ chiêu trò mua fan, dựng thần tượng ảo
Cái giá để trở thành thần tượng tuỳ thuộc vào độ chịu chi của chính người nghệ sĩ muốn nhanh chóng ăn xổi. Nếu ngày trước, việc mạnh tay chi bạo cho một MV lên con số bạc tỷ như trường hợp nữ ca sĩ VO vung tiền cho dàn bong bóng khủng nâng cả con xe bốn chỗ, hay ca sĩ Đ chi bạo để có nhiều cảnh quay mướt mắt tại Châu Âu được xem là con đường ngắn nhất để PR tên tuổi đến người nghe thì hôm nay chiêu trò này đã cũ.
Một đạo diễn ca nhạc tên tuổi thừa nhận: "Cách đây 3 năm, một lần nhận show quay MV tôi hét giá cát sê lên đến trăm triệu cho một tuần mà vẫn rất tự tin vì mình hiểu họ sẽ cần mình, cần tên tuổi mình để PR sản phẩm, hình ảnh. Thế nhưng, khi công nghệ cung cấp người hâm mộ chào sân kết hợp với nhiều chương trình truyền hình thực tế buộc nghệ sĩ trẻ thiết lập con đường tiến thân mới. Tiền làm MV được rút gọn để nhường chi phí cho mua bình chọn, chạy BTC và ưu tiên trên hết là mua khán giả hâm mộ". 
Với giám đốc công ty cung cấp khán giả N, đây chính là công đoạn dễ tạo hiệu quả nhất. Chỉ kí kết hợp đồng, chốt số lượng fan mà người nghệ sĩ cần (được tính theo 2 cách: lượng khán giả có mặt trong sân khấu và số fan đánh lẻ, dạt bên ngoài sân khấu, quanh lối đi mà ca sĩ người nhà sẽ di chuyển) để tung hô, reo hò, dồn dập tặng quà lấn át sự xuất hiện của các "ngôi sao đối thủ", tạo hiệu ứng thái quá, trực tiếp gieo niềm tin ảo về độ 'hot' của người thuê. Trong cuộc mua bán "thần tượng", lợi nhuận chảy trực tiếp vào túi công ty chủ quản sau khi đã chi phí xăng xe nhỏ giọt cho các bạn sinh viên ham chơi và ham vui.
Khán giả ngồi xem show tại sân khấu hay theo dõi chương trình trên sóng truyền hình được dịp thắc mắc: "Cô A, cậu B này là ai mà sao nhiều người hâm mộ vậy" khi nhiều pha hét hò ra trò dạy sóng chương trình để "tôn vinh" một thần tượng mà ngay chính nhiều bạn trẻ đóng rất tròn vai người hâm mộ còn không biết bài hát nào 'hot' nhất của thân chủ. 
Bất chấp người trong nghề bĩu môi, giới truyền thông điểm mặt, chiêu trò mua bán thần tượng vẫn nở rộ. Nhiều bản hợp đồng vẫn được kí kết chỉ đợi ngày sân khấu sáng đèn, thần tượng lại nhanh chóng được tung hô khi chốt hạ trọn gói mức chi phí để tô son bản ngã.