Lúc 17h ngày 14/9, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung- Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho biết, do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to, đến rất to liên tiếp trong 2 ngày tới.
Chiều ngày 14/9, Đà Nẵng có mưa rất to |
Tại Đà Nẵng: Do ảnh hưởng của bão, mưa to từ sáng đến chiều gây ngập cục bộ một số tuyến phố, nhiều nơi mất điện. Đến chiều ngày 14/9, Đà Nẵng vẫn còn 138 phương tiện với 1.270 lao động đang ở trên biển. Trong đó, chủ yếu khu vực Đông Bắc Hoàng Sa, khu vực biển Hải Phòng. Vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam hiện có 47 phương tiện với 400 lao động ở trên biển.
Nhằm hạn chết thiệt hại, ngày 14/9, UBND TP Đà Nẵng đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án ứng phó. Theo đó, các lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ phường khu vực Trung tâm Đà Nẵng đã lập tức xuống đường, hướng dẫn, phân luồng giao thông, lập rào chắn, cấm xe tại các đoạn đường bị ngập. Các Đồn Biên phòng cũng đã cử lực lượng xuống các địa bàn xung yếu hướng dẫn phương tiện tránh bão.
Ngập ở Đà Nẵng do ảnh hưởng bão số 3 |
Tại tỉnh Quảng Nam: Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các địa phương thông báo phát các bản tin dự báo thời tiết đến các tàu cá đang ở trên biển chủ động phòng tránh. Hải Đội 2 thường trực lực lượng sẵn sàng ứng cứu nếu có tình huống xấu xảy ra. Đại tá Nguyễn Văn An, Phó chính Ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đến chiều 14/9, trên biển hiện còn 229 tàu hoạt động nên vẫn chưa nằm trong độ an toàn.
Tại Quảng Ngãi: từ sáng ngày 14/9, tỉnh Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, kể cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng yêu cầu chủ đầu tư khai thác dầu khí, chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Sẵn sàng triển khai thực hiện phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch. Tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng cứu các công trình đê, kè, hồ chứa nước xung yếu khi có sự cố xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.