Ngày 5/6, Ai Cập cùng với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain và một số quốc gia khác đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt chống lại quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này, với cáo buộc Doha hỗ trợ các tổ chức khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Arập, thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với Iran, thách thức chính sách chung của các nước khác ở vùng Vịnh nhằm chống lại Tehran, qua đó đe dọa an ninh quốc gia của các nước Arập.
Đặc biệt, Ai Cập đưa ra một loạt cáo buộc cho rằng Qatar ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, vốn đã bị Cairo đã liệt vào danh sách khủng bố, bằng cách dung dưỡng các thành viên lưu vong cũng như bảo trợ các nhóm chiến binh ủng hộ phong trào này có dính líu tới các vụ tấn công khủng bố mới đây tại Ai Cập, trong đó có vụ đánh bom vào một nhà thờ Cơ đốc giáo ở thành phố Alexandria.
Cáo buộc
Theo Al Ahram, Ai Cập cũng cáo buộc Doha truyền bá các tư tưởng cực đoan và bảo trợ chủ nghĩa khủng bố ở Bán đảo Sinai cũng như can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Cairo thông qua việc tài trợ cho âm mưu gây xung đột và chia rẽ.
Doha bị Cairo tố cáo sử dụng truyền thông để chống phá nhà nước Ai Cập, trong đó có kênh truyền hình Al-Jazeera, các kênh truyền hình ủng hộ Anh em Hồi giáo như Al-Sharq và Mekameleen, cũng như các kênh quốc tế khác như Al-Arab. Al Ahram còn dẫn lời một chuyên gia quân sự cấp cao ở Cairo nhấn mạnh việc Qatar ủng hộ và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố, nhóm vũ trang chống đối ở Gaza, Libya và Sudan đã và đang đe dọa an ninh quốc gia của Ai Cập.
Al Ahram dẫn các nguồn tin ở Cairo cho biết thêm Ai Cập có bằng chứng rõ ràng cho thấy Qatar đã hỗ trợ tài chính cho các nhóm chiến binh ở Libya chống lại Ai Cập. Nguồn tin khẳng định: "Tháng 11/2016, giới chức an ninh tại tỉnh Misrata của Libya đã bắt giữ 30 người Ai Cập, trong đó có 7 phụ nữ.
Tất cả các đối tượng này đã gia nhập các chi nhánh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Những người bị bắt giữ thừa nhận đã chuyển tin tức, tiền bạc và các thiết bị thông tin liên lạc cho các chiến binh thuộc nhóm Ansar Beit Al-Maqdis, một chi nhánh của IS ở Bán đảo Sinai của Ai Cập".
Theo Al Ahram, một số nước đứng sau các chiến binh có liên hệ với các tổ chức cực đoan, trong đó có thủ lĩnh al-Qaeda là Abdel-Hakim Belhadj và Hisham Ashmawy. Đối tượng Ashmawy từng là chỉ huy cánh vũ trang của nhóm al-Morabeton có căn cứ ở Sinai trước khi Ansar Beit Al-Maqdis thề trung thành với IS.
Cản trở nỗ lực hòa giải
Về hoạt động của Qatar tại Gaza, một chính trị gia từ Dải Gaza cho hay Qatar đã thực hiện các âm mưu nhằm gây chia rẽ hai phe đối địch là Fatah và Hamas ở Palestine, cũng như cản trở các nỗ lực hòa giải của Ai Cập tại Palestine.
Nhân vật này nói thêm Ai Cập cũng cáo buộc Hamas gây tổn hại đến các lợi ích của Cairo thông qua việc bảo trợ cho các hoạt động đào hầm trái phép và buôn lậu vũ khí dọc biên giới Ai Cập, cũng như huấn luyện các chiến binh thực hiện một loạt vụ tấn công khủng bố ở Sinai, trong đó có vụ ám sát Tổng Công tố Ai Cập Hisham Barakat hồi năm 2015.
Mới đây, Ai Cập đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành một cuộc điều tra nhằm làm rõ việc Qatar đã chi khoản tiền chuộc lên tới 1 tỷ USD cho một nhóm khủng bố hoạt động ở tại Iraq để nhóm này phóng thích các thành viên trong gia đình hoàng tộc bị bắt làm con tin.
Cairo nhấn mạnh: "Hành động này vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Nếu được chứng minh là đúng, hành vi của Qatar sẽ tác động tiêu cực đến các nỗ lực chống khủng bố trên thực địa"…