Hé lộ sức mạnh “chết người” của các hệ thống tác chiến điện tử mạnh của Nga

(PLVN) - Trong vài năm qua, Nga đã triển khai các hệ thống tác chiến điện tử mạnh (EW) có năng lực bảo vệ lãnh thổ quốc gia, “làm mù” các máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không, vô hiệu hóa các tên lửa hành trình và máy bay không người lái của đối phương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo hãng tin Sputnik, các hệ thống EW có thể tước bỏ khả năng sử dụng vũ khí chống lại Nga của đối phương hoặc ít nhất là giảm hẳn hiệu quả của việc sử dụng vũ khí đồng thời tước bỏ khả năng hoạt động trinh sát của họ.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nga đã tạo ra và đang tích cực cung cấp cho quân đội nước này hàng chục mẫu thiết bị tác chiến điện tử mới. 

Một trong những hệ thống tiên tiến nhất là hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 – một trạm dải tần rộng gây nhiễu âm thanh mạnh. 

Các thông tin được công bố cho thấy, bán kính hoạt động của trạm Krasukha là vài trăm km. 

Hệ thống này có khả năng bao phủ toàn bộ khu vực bảo vệ bằng 1 mái vòm vô hình, áp chế tất cả các nguồn phát xạ vô tuyến, “làm mù” máy bay tấn công và vũ khí có độ chính xác cao. 

Nếu cần thiết, hệ thống này cũng có thể hoạt động ở độ cao rất lớn, áp chế các vệ tinh trong không gian.

Một số nguồn tin cho biết, hệ thống Krasukha thậm chí đã vô hiệu hóa một số máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35 của Mỹ.

Các hệ thống Krasukha cũng đã tham gia đẩy lùi các cuộc tấn công vào Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Các đơn vị tác chiến điện tử còn có nhiệm vụ chống lại máy bay do thám không người lái, bắn hạ các thiết bị đó hoặc khiến chúng phải hạ cánh bằng cách gây nhiễu điện tử và giải mã chương trình điều khiển.

Để phục vụ mục tiêu này, Nga có hệ thống Pishchal trông giống như khẩu súng, có trọng lượng chỉ 3kg, có thể phát tín hiệu ở khoảng cách lên tới 2km, chế áp các kênh vô tuyến điều khiển hoạt động của các thiết bị không người lái.

Hệ thống Rtut-BM cũng là một thiết bị đáng gờm khi có thể phát hiện quả tên lửa khi nó đang đến gần và gửi tín hiệu công suất cao về phía tên lửa, khiến nó phát nổ ở khoảng cách an toàn.

Các máy bay trực thăng chiến đấu và các phiên bản mới nhất của máy bay cường kích Su-25 của Nga hiện đều được trang bị tổ hợp gây nhiễu Vitebsk. 

Truyền thông Nga cho biết, tổ hợp này có thể triệt tiêu tín hiệu quang và điện tử của radar, vô hiệu hóa tên lửa với đầu phát nhiệt, “làm mù” tên lửa của đối phương bằng đèn chiếu laser. 

Tất cả các máy bay chiến đấu ném bom Su-34 của Nga trong khi đó được trang bị tổ hợp EW Khibiny, khiến máy bay gần như vô hình trước radar của đối phương. Nhờ đó, Su-34 có khả năng sống sót cao gấp nhiều lần.