Hệ lụy khôn lường từ 3T: Người nổi 'Tiếng' - 'Tiền' mã hóa - Lòng 'Tin'

0:00 / 0:00
0:00
Với sự phát triển vô cùng nhanh chóng của thị trường tiền mã hóa, nhiều người nổi tiếng gần đây bị tố “lùa gà” bằng nhiều chiêu trò và hình thức khác nhau khiến không ít nhà đầu tư “tán gia bại sản”.
Hệ lụy khôn lường từ 3T: Người nổi 'Tiếng' - 'Tiền' mã hóa - Lòng 'Tin'

Streamer nổi tiếng bị tố 'lùa gà'

ViruSs, tên thật là Đặng Tiến Hoàng, được xem là một trong những streamer hàng đầu Việt Nam. ViruSs sở hữu lượng fan hùng hậu trong đó có nhiều bạn trẻ, gen Z. Ba tháng gần đây, ViruSs bất ngờ chuyển hướng sang đầu tư tiền mã hoá (cryptocurrency) hay các game NFT...., và có nhiều bài viết, video chia sẻ cách đầu tư trên các trang MXH của mình. Dưới mỗi bài đăng của streamer này, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự ngưỡng mộ, đưa ra lời ủng hộ.

Không những vậy, ViruSs còn giới thiệu quảng bá trên livestream về dự án blockchain I.P- đã bị Luật sư Hà tố là game đánh bạc “núp bóng tiền ảo”. Nam streamer cũng thông báo trong cộng đồng đầu tư về loại tiền số do bản thân sáng lập và đưa ra mức giá mua vào đồng ZUKI (dự án Zuki Moba) từ 0,2-0,3 USD. Tuy nhiên, sau khi streamer “shill coin” (kích thích tâm lý người khác mua tiền mã hóa) giá đồng ZUKI liên tục giảm. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap- một trang web thống kê giá của các loại tiền mã hóa trên thế giới, hiện giá đồng ZUKI đã giảm gần 3 lần so với điểm giá ViruSs mời gọi, dao động quanh mức 0,0879 USD. Đợt sụt giảm kéo theo khoảng 7 triệu USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi dự án Zuki Moba. Điều này khiến không ít nhà đầu tư tại Việt Nam bị thiệt hại nặng, đặc biệt đối với những người trẻ, gen Z mới tham gia đầu tư tiền ảo.

Streamer Viruss- Đặng Tiến Hoàng
Streamer Viruss- Đặng Tiến Hoàng

Đồng ZUKI mà Viruss quảng bá, ngay sau khi nam streamer “shill coin” giá đồng ZUKI liên tục giảm. Điều này đã dấy lên nghi vấn nam streamer chiêu dụ người mua, thao túng giá và "xả" nhằm thu lợi cá nhân.

Doanh nhân Zet Under - một nhà đầu tư lâu năm và có tiếng ở Việt Nam đã bình luận trong video trên kênh TikTok của ViruSs: "Kinh nghiệm thị trường chưa được 3 tháng đã đi lùa gà rồi à." Được biết, người tố ViruSs “lùa gà” tên thật là Trần Văn Phúc, sinh năm 1987. Ông là một nhà đầu tư có tiếng, kiêm quản trị viên của cộng đồng Phố Tài Chính trên Telegram. Đáp trả những lùm xùm, ViruSs đã đăng tải 3 video trên kênh YouTube cá nhân, phản bác thông tin. Nam streamer biết không có nghĩa vụ phải chứng minh việc mình đã tham gia thị trường tiền điện tử từ lúc nào, trong bao lâu. Trong video đăng tải chiều 25/12, ViruSs còn tố ngược Zet Under là người từng có nhiều hành vi lừa đảo tài chính trong quá khứ.

Đặc biệt, trong clip lên tiếng, ViruSs còn chia sẻ mục đích làm clip hướng dẫn đầu tư cryptocurrency: "Chuyện em làm clip nó cũng chỉ minh chứng cho việc hướng dẫn những người mới tham gia thị trường, đặc biệt là fan của em từ gaming truyền thống sang và góc nhìn của em như vậy thôi. Còn em không có ý nghĩa lùa gà. Chỉ có người 'gà' mới bị lùa. Và nếu như vì xem clip đó mà người ta bị lùa, thì có lẽ người ta nên bị như vậy".

Hiện những video này đều đã bị ẩn khỏi Youtube.

Như vậy, streamer Viruss nhận bản thân không “lùa gà”, nhưng anh cũng không nhận trách nhiệm nào đối với những nhà đầu tư nếu họ tin và đầu tư theo anh.

Khi các nhà đầu tư “dính bẫy” FOMO Marketing

FOMO (tiếng Anh là Fear of missing out) là một thuật ngữ được chuyên gia hành vi người tiêu dùng Dan Herman đưa ra, ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ đánh mất ở con người. Cụ thể, nó thể hiện bằng trạng thái tâm lý căng thẳng ở một người khi họ tin mình đang bỏ lỡ hoặc bị loại khỏi những trải nghiệm thú vị mà người khác đang có. Người này có xu hướng “so sánh” và tin rằng người khác luôn sở hữu những thứ tốt hơn, vui vẻ hơn mình.

Kết quả là người mắc hội chứng này thường mong muốn sở hữu vượt trội để bằng hoặc hơn người khác. Nói dễ hiểu chính là tâm lý “được ăn cả”, “đua đòi”, “a dua”. Khi thế giới có thứ đó, tôi cũng phải có cho bằng được. Chính điều này sẽ đưa họ đến quyết định thiếu lý trí, dựa trên cảm tính chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân.

Trước đó, nhiều người cũng nghi ngờ rằng sự việc quảng bá dự án Diamond Boyz Coin (DBZ) giữa Youtuber Khoa Pug và Johnny Dang đã khiến cộng đồng đầu tư tiền số tại Việt Nam dậy sóng. Bởi chỉ sau vài bữa ăn chung của hai nhân vật này, hay một lần hot vlogger vô ý để lộ ví tiền số, tiết lộ đang sở hữu 10 triệu coin DBZ thì bất ngờ giá trị của đồng tiền ấy tăng chóng mặt. Nhưng cũng chỉ sau một lời khẳng định không kêu gọi đầu tư, cùng vài clip tố nhau qua lại, đồng DBZ bỗng rớt giá một cách thảm hại.

Khoa Pug và Johnny Đặng từng bị dân tình đặt nghi vấn là "lùa gà" cho dự án tiền ảo Diamond Boyz Coin (DBZ)
Khoa Pug và Johnny Đặng từng bị dân tình đặt nghi vấn là "lùa gà" cho dự án tiền ảo Diamond Boyz Coin (DBZ)

Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá đồng DBZ bắt đầu giảm sau khi Khoa Pug và Johnny Dang xoá những video có hình ảnh của cả hai. Hiện giá DBZ đang dao động ở mức 0,006 USD, giảm khoảng 25 lần so với mốc giá đỉnh. Đợt sụt giảm đã khiến nhiều nhà đầu tư “tiến thoái lưỡng nan”.

Tuy nhiên, trong video được đăng tải vào ngày 7/10, Khoa Pug cho rằng không kêu gọi người xem đầu tư vào tiền số DBZ: "Mình không ủng hộ, kêu gọi các bạn đầu tư coin, cũng như DBZ". Nhiều người cho rằng, Khoa Pug có ý định "bỏ trốn" xong khi "lùa gà" cho DBZ coin thành công. Trang chủ của đồng coin DBZ cũng tuyên bố miễn trừ trách nhiệm với những người chủ sở hữu đồng coin này. Theo thông tin từ công ty của Johnny Dang, việc nắm giữ tiền mã hóa là hoàn toàn rủi ro, công ty sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hay lợi ích nào.

Nhiều bạn trẻ ở độ tuổi Gen Z mới tham gia vào cộng đồng tiền mã hóa vì tin vào những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội nên đã theo chân đầu tư và phải nhận cái kết đắng. Khi có sự việc không may xảy ra, họ đều tỏ ra không liên quan, cũng không nhận phần trách nhiệm nào. Chỉ có nhà đầu tư mới phải khốn đốn trước sự biến động của tiền ảo. Nếu đúng là đầu tư tiền mã hóa thành công như vậy, thì chắc ai cũng giàu rồi!

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

GameFi (viết tắt của Game Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.