Hệ lụy từ việc người nước ngoài lách luật mua đất ven biển Đà Nẵng

(PLO) - Những “khu phố Tàu” sầm uất ven biển Đà Nẵng với những biển hiệu toàn tiếng Trung không còn xa lạ. Khi kinh tế mở cửa, người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư mở rộng kinh doanh là bình thường. Tuy nhiên, việc người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc thu mua đất tại những khu vực ven biển Đà Nẵng dày đặc như thời gian qua đang khiến dư luận lo ngại…
Khu phố Tàu ven biển Đà Nẵng
Khu phố Tàu ven biển Đà Nẵng

Núp bóng thu gom đất ven biển? 

Quận Ngũ Hành Sơn, nơi dễ dàng nhìn thấy những “khu phố Tàu” nằm sát khu vực cạnh sân bay Nước Mặn. Lấy điểm trung tâm từ casino cao cấp Silver Shores do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, cả khu phố này kéo dài hàng km mọc hai bên. Tại đây, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng đều do người Trung Quốc đứng phía sau điều hành với bảng hiệu tiếng Trung và giao tiếp cũng bằng tiếng Trung dày đặc. 

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, đến thời điểm này danh sách các Cty, cá nhân nhận quyền sử dụng đất tại vệt biệt thự sân bay Nước Mặn có 246 lô. Qua tìm hiểu hầu hết các lô đất này đều do người Trung Quốc đứng đằng sau thu gom, nhờ người Việt Nam đứng tên để lách luật. Trong đó, các Cty đang quản lý 77 lô, gồm: Cty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday: 24 lô; Cty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi: 17; Cty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung: 12 lô; Cty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng: 10 lô; Cty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp: 7 lô; Cty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silverk Park: 4 lô và Cty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn: 3 lô. 

Ngoài ra còn có 74 lô đất do các cá nhân mua từ 2 lô trở lên. Mua nhiều nhất có ông Lý Phước Cang (ngụ tại Đà Nẵng) đứng tên mua 12 lô đất, ông Lê Thanh Hà (TP HCM) mua 6 lô... cạnh sân bay Nước Mặn nằm trong “khu phố Tàu” dọc theo tuyến đường ven biển. 

Một cán bộ lãnh đạo phường Khê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, ngay trên địa bàn đã có hàng chục hộ gia đình cho người Trung Quốc thuê nhà ở và trong số đó có nhiều người Trung Quốc kết hôn hợp pháp với phụ nữ Việt Nam. Vị cán bộ này cho biết, khi kinh tế mở cửa, người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư mở rộng kinh doanh là bình thường. Tuy nhiên, việc người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc thu mua đất tại những khu vực ven biển khiến dư luận lo ngại. 

Cần nhìn thấy hệ lụy về sau! 

Theo lãnh đạo của cơ quan quản lý đất đai Đà Nẵng thông tin, căn cứ quy định của pháp luật, người nước ngoài chưa được phép mua đất tại Việt Nam. Do đó, họ lách luật bằng cách đưa tiền nhờ các cá nhân người Việt đứng tên để mua đất. Qua kiểm tra hồ sơ đứng tên mua đất tại Đà Nẵng, những trường hợp mua đất đều hợp pháp, đúng quy trình, quy hoạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước nên không thể cấm được. 

Nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu đã từng lo lắng và quan ngại nếu tình trạng người Trung Quốc đứng sau các cá nhân người Việt mua đất tại Đà Nẵng phải hết sức thận trọng. Ông Điểu đưa ra ví dụ việc lách luật, người Trung Quốc đưa cho người Việt Nam 5 tỉ đồng nhờ người Việt Nam mua một lô đất. Sau đó, họ kết hợp với người Việt Nam thành lập một công ty cổ phần có tổng số vốn khoảng 50 tỉ đồng. 

Người Việt góp cổ phần bằng chính lô đất trên quy ra 10%, còn người Trung Quốc góp 40 tỉ đồng (90%) để công ty xây khách sạn, nhà hàng. Vì nắm cổ phần chi phối nên tất nhiên người Trung Quốc giữ chức chủ tịch HĐQT và có quyền quyết định mọi việc ở công ty. Như vậy, việc sử dụng lô đất trên đương nhiên sẽ thuộc về người có cổ phần nhiều hơn. Đây là kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư nước ngoài cần phải được chấn chỉnh, nhìn thấy những hệ lụy về sau.

Trong khi đó, một luật sư thuộc đoàn Luật sư Đà Nẵng nêu thêm, không chỉ Đà Nẵng, tại nhiều tỉnh thành ven biển miền Trung, tình trạng người nước ngoài mang Quốc tịch Trung Quốc kết hợp với người Việt Nam góp vốn lập công ty, rồi đứng phía sau mua gom đất diễn ra rất nhiều. Hồ sơ ông nắm khá nhiều, đơn cử như tại Nha Trang, song các cấp chính quyền không thể quản lý được vì họ làm đúng luật. 

Tuy nhiên, vị luật sư này cho rằng, không phải không có có cơ sở xử lý nếu cơ quan chức năng quản lý chặt từ đầu. Cụ thể đối với trường hợp ông Lý Phước Cang tại Đà Nẵng đứng tên mua tới 12 lô đất xấp xỉ 2.000 m2, được cho là “đất vàng” ven biển tại Đà Nẵng. Ông Cang xuất thân là người lao động bình thường. Vậy ông Cang lấy tiền đâu để mua một lúc 12 lô đất vàng ven biển?...

Khi có những nghi vấn hoặc dư luận lên tiếng về việc giàu có bất thường, chúng ta có công cụ pháp luật, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và yêu cầu ông Cang chứng minh nguồn tiền sạch để mua 12 lô đất nêu trên. Nếu ông Cang chứng minh được thu nhập chính đáng và đã đóng thuế theo quy định, ông Cang không vi phạm pháp luật. Còn ngược lại, cần phải điều tra làm rõ, tùy kết quả sẽ xử lý. Làm nghiêm như vậy, chắc chắn không có bất kỳ cá nhân nào dám đứng ra nhận tiền mua đất cho người nước ngoài để tránh những hệ lụy về sau.

Đọc thêm