Theo Bộ NN&PTNT, một trong những lý do khiến cá cảnh của Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng chưa xuất được sang thị trường Châu Âu là do cá của công ty này chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh chứ không có chuyện ngành nông nghiệp gây khó dễ.
Doanh nghiệp xin lỗi Cục Thú y
Trước đó, ngày 21/5, từ kêu ca của lãnh đạo Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã có ý kiến với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc xuất khẩu cá chép đi Châu Âu do vướng thủ tục kiểm dịch.
Trong văn bản gửi Bí thư Thăng ngày 24/5, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho biết: Sở dĩ doanh nghiệp cá kiểng này chưa xuất khẩu được cá cảnh sang châu Âu là vì cá của doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để được được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh KHV (mầm bệnh là virus Koi Herpes).
Cụ thể, năm 2014, tháng 3/2014, kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cá cảnh của Công ty này dương tính với KHV. Năm 2015, Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh thực hiện lấy mẫu giám sát 2 đợt và có kết quả âm tính.
Theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), cơ sở an toàn dịch bệnh phải được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định 2 năm liên tục không có mầm bệnh KHV, nên năm 2016, Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải lấy mẫu giám sát tiếp 2 đợt nữa, nếu kết quả âm tính, Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh mới hướng dẫn Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng làm hồ sơ đề nghị Cục Thú y thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh KHV.
Theo Cục thú ý, tháng 9/2005, Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng nhận được yêu cầu của đối tác, muốn xuất khẩu cá chép cảnh sang châu Âu thì phải được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với 2 loại bệnh SVC và KHV. Công ty đã triển khai và được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh SVC (virus gây bệnh xuất huyết mùa xuân) và phải tiếp tục thực hiện giám sát đối với bệnh KHV.
“Từ năm 2005 cho đến nay chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (kể cả Công ty Sài Gòn Cá kiểng) hoàn thành chương trình giám sát bệnh KHV và cũng chưa có cơ sở nào gửi hồ sơ đề nghị Cục Thú y thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh KHV.”- Bộ NN&PTNT khẳng định.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thăm Công ty CP Sài Gòn cá kiểng ngày 21/5 |
Đáng chú ý, trong buổi làm việc với cơ quan thú y vùng VI vào ngày 23/5, ông Trịnh Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng bất ngờ đưa ra lời xin lỗi tới Cục thú ý xung quanh sự việc.
Đổ vấy trách nhiệm
Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này không nhận mình báo cáo hời hợt, thiếu chính xác với bí thư thành ủy mà lại đổ thừa cho báo chí khi cho rằng các cơ quan truyền thông đã đưa tin không đúng ý của doanh nghiệp. Thậm chí, còn nói rằng việc thông tin của báo chí làm ảnh hưởng tới cục thú y, các cơ quan thú ý, ban ngành liên quan.
“Qua việc này, công ty chính thức xin lỗi Cục thú y và các cơ quan liên quan về những bất tiện do thông tin báo chí đưa trong những ngày qua đã không đúng như thông tin đơn vị tôi cung cấp.”- ông Hùng phân trần.
Cùng ngày, doanh nghiệp này phát đi văn bản đính chính thông tin nói trên. Theo giải thích của Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng, tại buổi làm việc với Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh vào ngày 21/5, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng có báo cáo những khó khăn trong việc xuất khẩu đi Châu Âu.
“Vì theo quy định các loại cá có khả năng cảm nhiễm với virut SVC và KHV khi nhập vào thị trường EU phải được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận được nuôi từ cơ sở an toàn dịch bệnh đối với 2 bệnh SVC và KHV. Bí thư có hỏi từ khi nào? Anh Thủy trả lời là từ 2005. Việc nay gây nhầm lẫn thông tin và báo chí đưa tin rằng công ty chưa được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh dù đã gửi hồ sơ cho Bộ NN&PTNT xin thẩm định từu năm 2005 mà chưa được phản hồi.” - văn bản doanh nghiệp này đẩy trách nhiệm sang cho báo chí.
Được biết, sau khi phản hồi thông tin trở lại với Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT đề nghị lãnh đạo thành phố này tiếp tục chỉ đọa duy trì điều kiện và thực hiện giám sát để bảo đảm không có dịch bệnh theo quy định của OIE đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đối với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Riêng với các cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh mà có nhu cầu xuất khẩu cá cảnh, Bộ NN&PTNT yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cá cảnh từ Việt Nam.
Hiện TP. Hồ Chí Minh có khoảng 300 cơ sở sản xuất cá cảnh có quy mô khác nhau tập trung ở các quận, huyện: Quận 9, 12, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Với hơn 60 loài cá cảnh được sản xuất, trữ dưỡng tạo lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam là các quốc gia châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và một số nước châu Á.