Trong số này, khái niệm “sữa tiệt trùng” thường được các doanh nghiệp sữa dùng để chỉ chung các loại sữa đã qua khâu tiệt trùng nhưng không nói rõ nguyên liệu của loại sữa này là từ sữa bột hay sữa tươi. Trên thực tế thì “sữa tiệt trùng” được sản xuất từ sữa bột chứ không phải sữa tươi nhưng một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự nhập nhèm này để trục lợi khi liên tục quảng cáo với những từ như “tươi ngon”, “nguyên chất” hay “thiên nhiên”... Điều đó khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn đó là sữa tươi nguyên chất trong một thời gian rất dài, gây mất niềm tin, thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm của người tiêu dùng và giảm sự minh bạch của thị trường sữa.
Bên cạnh đó, trong quy định cũng không yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu của sản phẩm. Đây là kẽ hở đã tồn tại nhiều năm, tạo điều kiện cho nhiều đơn vị sản xuất sữa “lách luật”, dẫn đến tình trạng người tiêu dùng luôn trong tình trạng mập mờ, nếu muốn biết, cũng không thể truy xuất nguồn gốc sữa. Từ đó, doanh nghiệp nuôi bò, sản xuất sữa chịu sự bất bình đẳng trong kinh doanh, tốn chi phí quảng bá không cần thiết để khẳng định sữa tươi khác với sữa tiệt trùng.
Do đó, Bộ Y tế đã quyết định tiến hành sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng, thay thế khái niệm “sữa tiệt trùng” bằng “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp”. Mặc dù sự thay đổi này của Bộ Y tế cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều bởi cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan sản xuất, kinh doanh vì phải tốn thêm chi phí sửa đổi nhãn mác, nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Trương Quốc Cường cho biết, chủ trương sửa đổi tên sản phẩm sữa là đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế.
Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa cũng sẽ được cho thời gian nhất định để chuẩn bị cho việc chuyển đổi, quy chuẩn mới sẽ yêu cầu các nhà sản xuất ghi rõ thành phần sản phẩm và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu lên bao bì.