Hiến ghép mô tạng và pháp luật điều chỉnh hiện nay: Góc nhìn chuyên gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, với nỗ lực không ngừng nghỉ, các bác sĩ Việt Nam đã đạt nhiều kỳ tích, thành công vượt trội trong lĩnh vực ghép mô, tạng với những “lần đầu tiên” trong lịch sử y học nước nhà.
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thăm khám cho nữ bệnh nhân suy gan tối cấp được ghép gan sau ca phẫu thuật. (Ảnh: BVVĐ)
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thăm khám cho nữ bệnh nhân suy gan tối cấp được ghép gan sau ca phẫu thuật. (Ảnh: BVVĐ)

Những “lần đầu tiên” đi vào lịch sử

Ngày 14/5/2024, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép tim từ người hiến chết não để hồi sinh sự sống cho nữ bệnh nhân 39 tuổi bị suy tim. Đây là cuộc phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam ghép tim cho một bệnh nhân đã cấy tim nhân tạo bán phần. Được đánh giá phức tạp, nguy cơ của phẫu thuật là rất cao nhưng dưới tay nghề giỏi của các bác sĩ, giờ đây bệnh nhân ghép tim tiếp xúc tốt, đã rút nội khí quản và có thể tự thở thoả đáng.

Trước đó, Bệnh viện Việt Đức ghi vào lịch sử ghép tạng Việt Nam bằng một thành công mới khi lần đầu tiên ghép tạng thành công cho nữ bệnh nhân suy gan tối cấp, suy thận đã hôn mê, sự sống chỉ còn tính bằng giờ. Giữa ranh giới sinh tử của bệnh nhân, mặc dù biết xác suất thành công khi ghép gan là không cao nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vẫn cố gắng áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, chạy đua với thời gian trong phòng mổ để cứu sống bệnh nhân. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 9 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật thành công kéo bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”.

Điều đáng nói là ở cả hai trường hợp nói trên, sự sống của bệnh nhân trước khi ghép tạng chỉ còn tính bằng giờ và những thành công này đã tiếp tục khẳng định trình độ của thầy thuốc Việt Nam trong ghép tạng đã tiệm cận trình độ thế giới. Tại Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim... những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại sự sống cho nhiều cuộc đời mới, đồng thời việc hiến tặng mô, tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái trong cộng đồng...

Thay đổi luật để “tạo nguồn” cho ghép tạng

Nhìn lại hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 tại Bệnh viện Quân y 103 đến nay, lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam liên tục được viết tiếp bằng rất nhiều kỷ lục. Tính đến nay Bệnh viện Việt Đức đã ghép gan thành công 120 trường hợp, 98 trường hợp từ người cho chết não, phần lớn là bệnh nhân có danh sách chờ ghép.

Đặc biệt, thành công trong mỗi ca ghép tạng không chỉ đến từ “bàn tay vàng” hồi sinh sự sống của các y, bác sĩ mà còn đến từ tấm lòng quý giá của người hiến tạng. Tuy nhiên cũng có một thực tế, mặc dù các bác sĩ Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng nhưng do nguồn mô, tạng hiến vẫn còn rất hạn chế dẫn đến danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người và mỗi ngày có hàng chục người chết vì không có tạng ghép. Bộ Y tế cho biết, nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam chủ yếu từ người hiến sống (86 nghìn người đăng ký hiến sau khi qua đời), chiếm 94%. Nguồn hiến từ người chết còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng.

PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết tỷ lệ người chết não hiến tạng ở Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trên thế giới. Trong đó, lý do thường thấy xuất phát từ văn hoá tâm linh lâu đời của người dân với quan niệm khi chết phải toàn thây nên nhiều người còn ngần ngại, băn khoăn khi được tuyên truyền hiến mô, tạng.

Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận định, cần phải tận dụng mọi nguồn để có tạng hiến cho người nhận. Trên thế giới, có hai nguồn tạng hiến chính, đó là từ người chết tim và từ người chết não. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 chỉ đề cập đến hiến mô tạng từ người chết não, chưa đề cập đến trường hợp chết tim. “Nguồn hiến mô, tạng từ người chết tim rất lớn, nhiều quốc gia đã triển khai những quy định liên quan đến vấn đề này. Chúng ta cần dành sự quan tâm, cụ thể hóa và đề xuất bổ sung quy định về chết tim và hiến mô, tạng từ người chết tim vào luật”, PGS.TS. Đồng Văn Hệ nói.

Nhiều năm qua, ngành Y tế nói chung và Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam luôn nỗ lực gia tăng nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn hiến tặng mô, tạng với cộng đồng. Đây là công tác có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, giúp người dân có cách hiểu đúng đắn về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng.

Về đề xuất của các chuyên gia về việc đưa hiến mô tạng từ người chết tim vào luật, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế ủng hộ bổ sung ý kiến trên, đồng thời đề nghị các chuyên gia y tế xây dựng bộ tiêu chí chẩn đoán chết tim trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có thư kêu gọi cán bộ, nhân viên ngành Y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng cứu người, thực hiện lời phát động của Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc... Trong hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam thực hiện được hơn 1.000 ca ghép tạng, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm. Thành công này thể hiện rõ nét những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của ngành Y tế Việt Nam. Đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh của các nhân viên y tế, thắp lên hy vọng hồi sinh cho người bệnh suy tạng.

Đọc thêm