Hiến kế giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở TP HCM

(PLVN) - Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận ý kiến của một bác sĩ có nhiều năm công tác tại ngành y TP HCM, phân tích về một số điểm chưa phù hợp, cần xem xét sửa đổi trong hệ thống y tế (HTYT) tại thành phố này.
Thực hiện phẫu thuật robot tại BV Bình Dân. (Ảnh: S.Hải)

UBND TP HCM mới có quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống y tế TP HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến 2030 và những năm tiếp theo” nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tiếp cận trình độ công nghệ thế giới.

Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành Y tế bảo đảm phù hợp quy hoạch chung TP; xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện (BV) tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận ý kiến của một bác sĩ có nhiều năm công tác tại ngành y TP HCM, phân tích về một số điểm chưa phù hợp, cần xem xét sửa đổi trong hệ thống y tế (HTYT) tại TP.

Theo chuyên gia y tế này, HTYT TP còn có sự mâu thuẫn về phân bố cơ sở y tế. TP HCM tập trung nhiều BV tuyến Trung ương và hạng 1, trong khi các tỉnh lân cận thiếu hụt cơ sở y tế chất lượng cao. Hệ quả là bệnh nhân từ các tỉnh phải chuyển lên TP, dẫn đến tình trạng quá tải BV, đặc biệt trong các trường hợp cần can thiệp sớm (như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, chấn thương nặng). Một số bệnh nhân khi đến TP, tình trạng đã chuyển biến xấu, giảm hiệu quả điều trị hoặc không còn can thiệp được.

Thực tế trên cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng vùng miền và rơi vào vòng xoáy đầu tư. Do nhu cầu điều trị cao, TP HCM liên tục được đầu tư vào y tế. Và càng đầu tư nhiều, bệnh nhân càng đổ về TP, khiến các BV luôn quá tải, luôn cần thêm đầu tư. Trong khi đó, các tỉnh lân cận không phát triển được y tế.

Về vị trí, bác sĩ này cho rằng hiện xảy ra tình trạng mất cân bằng trong phân bổ. Các BV lớn chủ yếu tập trung ở các quận Tân Bình, 5, 10. Trong khi đó, các quận, huyện như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Tân thiếu các BV có khả năng thực hiện kỹ thuật cao như can thiệp DSA tim và não, mổ cấp cứu chấn thương nặng. Người dân có thể phải di chuyển xa để tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, làm gia tăng tình trạng quá tải tại các BV.

Thời gian gần đây, nhiều BV được đánh giá còn bị tác động vì cơ chế tự chủ tài chính, nghĩa là phải tự cân đối thu - chi thay vì nhận ngân sách như trước. Vì vậy, BV cần bệnh nhân để duy trì tài chính, phải quảng bá, nâng cao dịch vụ, mở rộng khoa phòng thu hút bệnh nhân. Các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ cao cấp được đẩy mạnh để tăng nguồn thu. Một số BV thậm chí chủ động hỗ trợ đặt lịch, tư vấn từ xa, hợp tác với bảo hiểm tư nhân để hút bệnh nhân. Và như vậy, bệnh nhân từ các tỉnh tiếp tục đổ về TP HCM vì có tâm lý muốn khám ở BV lớn, có bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại. Sự quảng bá mạnh của các BV càng làm người dân tin rằng “chỉ khám ở TP HCM mới tốt”. Thậm chí, một số bác sĩ ở tỉnh cũng giới thiệu bệnh nhân lên TP HCM thay vì giữ bệnh nhân lại tuyến tỉnh.

Nói về giải pháp, bác sĩ này cho rằng trước tiên, cần xây thêm các BV tại vùng ven TP, để giảm áp lực cho BV trung tâm; đầu tư trang thiết bị và xây dựng uy tín cho BV tuyến dưới. Tái cơ cấu lại bản đồ y tế theo vùng, cụ thể là với bệnh lý nguy hiểm không thể chờ chuyển viện nên cần hệ thống y tế đủ mạnh tại từng địa phương, có khả năng điều trị ngay tại chỗ cho các bệnh lý nguy hiểm. Cần có cơ chế tài chính và nhân sự hỗ trợ để bảo đảm chất lượng điều trị tuyến dưới.

“Cơ quan chức năng cũng cần xem xét nghiên cứu việc chỉ chấp nhận số lượt khám và số bệnh nhân nội trú phù hợp với quy mô của BV, nếu vượt quá mức quy định thì giảm số tiền đơn vị được nhận, nhằm hạn chế BV thu hút bệnh nhân quá mức để tăng doanh thu”, chuyên gia y tế này nêu ý kiến.

Theo đề án của UBND TP, giai đoạn từ nay đến 2030 phấn đấu tuổi thọ trung bình người dân đạt 77 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ bác sĩ 23 bác sĩ/10.000 dân. Tỉ lệ điều dưỡng 40 điều dưỡng/10.000 dân. Tỉ lệ giường bệnh 42 giường/10.000 dân. Tổng tỷ suất sinh 1,6. Mỗi người dân được khám sức khỏe và tầm soát bệnh 1 lần/năm. Mỗi người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo công bằng trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp, chất lượng.

Đọc thêm