Hiến kế nâng tầm Sen Đồng Tháp trong hội nhập quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Hội thảo khoa học: “Sen Đồng Tháp: Giá trị văn hóa - Nâng tầm hội nhập” do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 17/5, nhiều chuyên gia đã đề xuất, góp ý giải pháp để nâng tầm giá trị Sen Đồng Tháp trong quá trình hội nhập quốc tế.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sen Đồng Tháp lần II - 2024. Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hội thảo nhằm đề cao yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp, hướng đến những mục tiêu quan trọng về Sen. Từ đó, định vị rõ giá trị Sen Đồng Tháp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục nâng tầm phát triển Sen Đồng Tháp trên các phương diện văn hóa, kinh tế, du lịch địa phương… Đồng thời các ý kiến từ Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để tham mưu, đề xuất các chính sách và chiến lược phát triển nâng tầm giá trị Sen trong thời gian tới, hướng tới kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành hàng Sen Đồng Tháp nói riêng.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ban Tổ chức đã đề xuất với các nhà nghiên cứu 8 chủ đề chính tại Hội thảo gồm: Cơ sở lý luận xác lập mối quan hệ giữa Sen với vùng đất, con người Đồng Tháp; Nhận diện đầy đủ giá trị văn hóa Sen đối với vùng đất, con người đồng Tháp; Nâng tầm phát triển của Sen Đồng Tháp trong các phương diện văn hóa ở địa phương; Nâng tầm hội nhập quốc tế của Sen Đồng Tháp thông qua chiến lược phát triển du lịch; Đánh giá tầm quan trọng của chính sách về phát triển cây Sen Đồng Tháp và thành tựu đạt được từ các chính sách này; Nhận thức và sinh kế của người trồng Sen từ tác động của các chính sách; Sáng tạo văn hóa, nâng tầm giá trị Sen gắn với vùng đất, con người Đồng Tháp; Kinh nghiệm khai thác giá trị Sen từ các quốc gia trên thế giới.

Trên thế giới, hoa Sen hiện diện phổ biến không những trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, y học, nông nghiệp mà còn cả trong triết học và kinh tế. Khi nói đến Sen trong văn hóa truyền thống ở Đồng Tháp, người ta thường nhắc đến giá trị của Sen gắn liền với môi trường sinh thái, các ngôi chùa Phật giáo. Trong xu thế hội nhập ngày nay, Sen Đồng Tháp cần phải được nâng tầm. Trên thực tế, chính quyền địa phương đã triển khai các dự án trồng Sen với sự tham gia của người dân. Từ kết quả ấy, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp tục mở rộng diện tích trồng Sen, nâng tầm chất lượng chế biến sản phẩm Sen, quảng bá và khai thác có hiệu quả du lịch Sen và tổ chức thành công các chương trình Lễ hội Sen hằng năm.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), để khắc họa đậm nét hình ảnh Sen - biểu tượng nhận diện thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp, cần có kế hoạch xây dựng khu phức hợp Sen Đồng Tháp, bao gồm: Viện nghiên cứu tổng hợp về Sen, Công ty nuôi trồng và chế biến Sen, Bảo tàng khoa học tự nhiên về Sen, Bảo tàng văn hóa Sen, bảo tàng 3D về Sen, Khu trải nghiệm và vui chơi gắn với Sen, Công ty du lịch chuyên đề về Sen… Khu phức hợp Sen Đồng Tháp sẽ giúp khai thác thế mạnh đặc thù của Đồng Tháp là Sen, giúp tỉnh bứt phá phát triển toàn diện và bền vững, trở thành thủ phủ Sen của Việt Nam và thế giới.

Dưới góc nhìn văn hóa hay kinh tế, Sen luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đồng Tháp.

Dưới góc nhìn văn hóa hay kinh tế, Sen luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đồng Tháp.

Tương tự, GS.TS Phạm Thị Thu Hiền - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, cần phát huy giá trị cây Sen góp phần xây dựng "Festival Sen Đồng Tháp" trở thành một lễ hội du lịch tiêu biểu của địa phương và vùng ĐBSCL trong quá trình hội nhập. Đồng thời, bà Hiền cũng đưa ra khái niệm du lịch hoa (flower tourism)/du lịch ngắm hoa (flower-viewing tourism) dựa trên tài nguyên chủ yếu là cảnh quan nở hoa và văn hóa thưởng hoa, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thiên nhiên, thư giãn của du khách. Theo bà Hiền, Đồng Tháp rất phù hợp để phát triển mô hình này. Đồng Tháp phong phú các tài nguyên tự nhiên và nhân văn để xây dựng du lịch Sen độc đáo.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, “Lễ hội Sen Đồng Tháp” là lễ hội văn hóa du lịch địa phương có chất lượng khá tốt có thể nâng cấp thành một lễ hội du lịch tầm quốc gia, tiến tới tầm quốc tế.

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), quan trọng nhất là xây dựng cảm thức cộng đồng về Sen, đó là tình cảm của hoa Sen, của tất cả chúng ta ngồi đây, người dân Đồng Tháp và của những người yêu vẻ đẹp hoa Sen. Từ cảm thức cộng đồng sẽ có khát vọng để xây dựng quê hương, địa phương, quốc gia với hoạt động thực tiễn của mình, đó là truyền tải các giá trị biểu tượng, văn hóa, nghệ thuật thành những sản phẩm kinh tế. Từ đó, có thể thấy, “Giá trị văn hóa - Nâng tầm hội nhập” không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn có giá trị về kinh tế.

Đọc thêm