Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến pháp năm 2013, GS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, 5 năm thực hiện không phải khoảng thời gian dài để đánh giá, nhưng với khối lượng công việc đã làm thì những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 đã thực sự trở thành động lực của cả nước.
Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta đưa vào Hiến pháp nguyên tắc về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực đã trở thành một yếu tố quan trọng để hạn chế quyền và “giữ chân” không để cơ quan quyền lực trở thành đối tượng lạm quyền và vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.
Là những người trực tiếp giúp việc cho Ban soạn thảo Hiến pháp năm 2013, GS.TS Lê Minh Thông đánh giá, trong 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013, “thành tựu lớn nhất, dù chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào về con số, nhưng từ quan sát, chúng tôi là những người trong cuộc thấy tinh thần thượng tôn Hiến pháp, thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội được nâng lên” và Hiến pháp đã bắt đầu lan tỏa sự ảnh hưởng to lớn của mình, không chỉ trong xã hội, mà đến từng con người.
Song, điểm được ông Thông nhấn mạnh nhất chính là việc từ khi Hiến pháp năm 2013 ban hành, chúng ta có một Quốc hội và Chính phủ đổi mới, sáng tạo, kiến tạo, hành động vì nhân dân.
Đồng thời, chúng ta cũng có những tư duy rất mới về kinh tế, một bước nhận thức nhảy vọt về mặt nhận thức; coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của phát triển. Hiến pháp năm 2013 đặt ra khuôn khổ giúp chúng ta hội nhập sâu hơn, rộng hơn, và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.