Tham dự Hội nghị Sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009 - 2019 có 80 đại biểu điển hình tiên tiến. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích đánh giá những kết quả đạt được và chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xác định rõ nội dung, biện pháp thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân trong bối cảnh các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và những diễn biến phức tạp, khó lường trong khu vực và thế giới.
Coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền
Xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) là xã biên giới, trước đây, tình hình buôn lậu trái phép, tệ nạn xã hội nhiều và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Số hộ nghèo cao, có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, chủ yếu là theo Phật giáo Hòa Hảo. Mặc dù được Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân chung tay thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, song đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Đoàn Văn Hổ - Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương cho biết: “Triển khai thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo đã quyết định tập trung thực hiện tốt 3 việc quan trọng gồm tuyên truyền để các tín đồ hiểu thực hiện tốt việc sống hòa hiếu với cha mẹ, tổ tiên, xóm giềng.
Đặc biệt là quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc thứ hai là chăm lo xây dựng, đoàn kết tôn giáo, giải quyết các mâu thuẫn bất đồng qua hoạt động của tổ hòa giải cơ sở.
Việc thứ ba là tích cực giúp người dân xóa nhà tạm, xây dựng nhà kiên cố, vận động nhân dân tham gia vào công tác xã hội - từ thiện, đóng góp Quỹ vì người nghèo. Ban Trị sự đã thành lập “Đội cất nhà từ thiện” do tôi làm Đội trưởng. Những năm qua, Đội đã cất mới, sửa chữa trên 135 căn nhà, trị giá trên 4,1 tỷ đồng.
Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành xây 1 cây cầu bê tông bắc qua kênh 5 xã trị giá 1,4 tỷ đồng. Đội đã vận động hỗ trợ cho hộ nghèo, khó khăn 1.520 tấm tôn, khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân với tổng số tiền 501 triệu đồng.
Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức vận động Quỹ Cây mùa xuân, hỗ trợ 8.000 quyển vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường và 60 tấn gạo với tổng trị giá 600 triệu đồng. Tham mưu cho cấp ủy - chính quyền xã huy động nhân dân đóng góp quỹ xây dựng 3 cây cầu với tổng số tiền 978 triệu đồng và vận động được 6,1 tỷ đồng thực hiện các hoạt động từ thiện khác”.
Từ các kết quả trên, ông Hổ rút ra 3 kinh nghiệm là coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền để các tín đồ hiểu rõ, tự giác tham gia thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Ban Trị sự phải nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân và các tín đồ, để làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Phải phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã xây dựng chương trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thực hiện tốt Ngày Biên phòng toàn dân.
Thay đổi bộ mặt nông thôn khu vực biên giới
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: “Phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và lực lượng vũ trang tổ chức phát động với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như: Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản biên giới”; “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”; “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”; “Người phụ nữ vì biên giới”...
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các địa phương thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại giao nhân dân để duy trì thực hiện nghiêm các hiệp định, quy chế biên giới đã được ký kết giữa nước ta với các nước láng giềng.
Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống và giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong tư tưởng của quần chúng nhân dân”.
Cùng với việc xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương biên giới vững mạnh, các tỉnh đã tạo bước đột phá trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước như Chương trình 133, 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia ủng hộ, giúp đỡ đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo thực hiện hiệu quả 19 mô hình phát triển kinh tế vùng biên giới, biển đảo, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn khu vực biên giới.