Hiện tượng tiêu cực trong thi tuyển công chức có thể là vi phạm pháp luật

(PLO) - Đây là quan điểm của PGS.TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) trước những “lùm xùm” xảy ra tại một số cuộc thi tuyển công chức thời gian vừa qua. 
Hiện tượng tiêu cực trong thi tuyển công chức có thể là vi phạm pháp luật
Ông Thảo cũng thẳng thắn trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về một số giải pháp, theo ông là cần thiết, để hạn chế các tiêu cực tương tự. Ông Thảo cho biết: 
- Từ thời phong kiến, nước ta đã tổ chức thi tuyển để qua các kỳ từ dưới trở lên, ai trúng thì sau được “bổ” làm quan. Nếu tổ chức thi tuyển có Hội đồng ra đề thi, chấm thi một cách khách quan thì rất tốt, còn thi mà có gian lận, tiêu cực như một số vụ việc gần đây thì là điều đáng lo ngại cho chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức bởi thi tuyển rộng rãi lại lộ đề, định hướng cho ai đó trúng sẽ xảy ra trường hợp người trình độ non kém nhưng được vào với số điểm cao. Thà cứ để cho họ vào làm hợp đồng rồi cả tập thể nhận xét ai làm được mới nhận, không làm được cho nghỉ. Thi dựa trên điểm, trong khi kết quả người ta thi đạt được thì phải cho người ta vào chứ, không cho vào sẽ bị khiếu kiện. 
Giao Bộ Nội vụ tổ chức thi một cách thống nhất 
Vậy theo ông, cần chấn chỉnh như thế nào?
- Các kỳ thi công chức cần được làm một cách nghiêm túc. Các kỳ thi này có thể do các Bộ, ngành đứng ra lập Hội đồng thi hoặc có thể do Bộ Nội vụ tổ chức. Năm ngoái thi chuyên viên cao cấp tại Viện tôi, một anh Phó Vụ trưởng, bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài, phụ trách nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thi vẫn bị trượt đấy, chứng tỏ yêu cầu rất cao. Nếu tất cả mọi trường hợp đều nghiêm túc thì tốt quá, còn lộ đề, châm trước cho người không đủ trình độ thì ảnh hưởng đến toàn đội ngũ và cũng không công bằng giữa các cán bộ, công chức với nhau.
Có điều hiện nay nổi lên thực tiễn, mỗi vị trí lãnh đạo, mỗi vị trí việc làm có yêu cầu riêng, kiểu như giáo viên dạy Toán phải giỏi Toán, dạy Văn phải giỏi Văn, nhưng bước vào thi thì lại thi những môn khác như quản lý nhà nước, triết học, chủ nghĩa Mác, ngoại ngữ, do đó bị trượt dù rất giỏi chuyên môn. Cũng như bác sĩ ngoại phải mổ giỏi hay bác sĩ chuyên khoa tim, gan mà lúc thi không chú ý môn chung cũng trượt như thường. Tất nhiên khi thi công chức phải có nền chung, nhưng có lẽ cần coi trọng chuyên môn, chuyên ngành sâu hơn để bảo đảm hơn chất lượng đội ngũ. Bởi vì các môn chung có thể đi học tiếp, nhưng đúng chuyên sâu lại yếu kém thì khó có thể đi học để nâng cao. Trước khi thi nên có sơ tuyển bởi một hội đồng, qua đó có thể người ta sẽ đánh giá khách quan, loại đi được những người theo kiểu được định hướng bởi người đứng ra tổ chức cuộc thi.
Đề xuất chuyển hết các kỳ thi tuyển công chức về Bộ Nội vụ của ông vừa nói trên có nên không, thưa ông? 
- Đây là một hướng nhằm giao cho một cơ quan làm thống nhất. Khi xây dựng Luật Công chức, Luật Viên chức có ý kiến nói là người ta tốt nghiệp chuyên môn, có bằng cử nhân chẳng hạn, sau đó muốn trở thành công chức thì qua một lần sơ tuyển, cơ quan quản lý công chức, viên chức là Bộ Nội vụ có thể tổ chức thi tuyển xác nhận đủ điều kiện. Bộ Nội vụ làm nhiệm vụ thi tuyển tiêu chuẩn “cứng” của một công chức, viên chức, cấp giấy chứng nhận có giá trị chung trong thời gian 2 – 3 năm. Người đó cầm giấy chứng nhận, muốn vào một cơ quan cụ thể nào thì cơ quan đó dựa trên giấy này và có thêm yêu cầu cụ thể, như vào cơ quan Kiểm toán thì phải có thêm nghiệp vụ kế toán, kiểm toán. Người nhà của cơ quan muốn tuyển khi ấy chỉ tuyển chuyên môn thôi, còn cái chung không qua được thì cũng chịu.
Khả năng Bộ Nội vụ tổ chức thi, nhưng đề do cơ quan có nhu cầu tuyển dụng ra liệu có được không ạ?
- Cũng được, như Viện tôi tuyển cán bộ nghiên cứu có phối hợp với Bộ Nội vụ, bên Viện soạn một số bộ đề theo yêu cầu công việc của mình như kiểu ngân hàng đề thi, cơ quan tổ chức thi có quyền đảo, rút đề thi, góp phần hạn chế tiêu cực.
Con em nông dân khó có “cửa” làm công chức
Ông có cho rằng cơ chế hiện hành bị lợi dụng như thế, rất cần tính đến “bịt” kẽ hở hay không?
- Thực ra, tất cả đều là con người, kiểu gì cũng có thế này, thế khác. Nghĩ cơ chế nào bảo đảm khách quan đúng là rất cần thiết. Chúng ta có thanh tra công vụ để xem xét kết quả đúng hay không mà chấn chỉnh. Thực ra vẫn còn vài nơi làm tốt như Bộ Tư pháp, tôi thấy Bộ Tư pháp thi tuyển công khai, tuyển 10 chỉ tiêu mà hàng trăm người đăng ký, đầu tiên thi ngoại ngữ, tin học đã gạt được rất nhiều người rồi mới về hội đồng thi của Bộ để “chốt”. Nói chung, tôi không thấy kiện tụng gì, có vẻ ổn. 
Tuy nhiên, ngay cả chuyện thi chuyên viên cao cấp vẫn có người giỏi thực sự lại trượt, tức là có kẽ hở nào đó. Hồi tôi còn giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Thủy sản (cũ), có đảm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi, là người trực tiếp quản lý đề đến phút chót, thấy vẫn có người khả năng bình thường lại đạt điểm cao. Sau tôi tìm hiểu họ có đi ôn các thầy chấm thi là những người ra đề, trong quá trình ôn cũng có “chuyện” giữa thầy và trò nên tôi nghiệm ra là không thuê các ông ấy ra đề, đề do người khác ra, do bốc thăm từ ngân hàng đề, tránh việc ông ra đề và chấm thi là một.
Vấn đề tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu nữa, theo ông, người đứng đầu phải có trách nhiệm ra sao trong những kỳ thi có tiêu cực?
- Đúng rồi, nhưng phải theo phân cấp, phân quyền. Bộ hay Cục hoặc bất cứ cơ quan, tổ chức nào đứng ra thi tuyển mà sai sót là trách nhiệm của Bộ, Cục, cơ quan đó, phân cấp rồi thì người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm. 
Ông có thấy nghịch lý khi người ta kêu làm công chức lương thấp nhưng vẫn hấp dẫn nhiều người đổ xô thi tuyển như kỳ thi vào Cục Thuế vừa rồi?
- Trước tiên phải thấy vào công chức mặc dù thu nhập không cao nhưng ổn định. Mới đây, đoàn chuyên gia Nhật Bản trao đổi bên Nhật, anh nào muốn có tiền ngay thì làm doanh nghiệp, anh nào muốn tiến xa vào công chức, đầu tiên vào rất khó, sau 10 năm công chức bứt phá, lương, thu nhập cao hơn, nếu ứng cử làm vị trí nào đó không được thì lại không ổn định bằng anh làm doanh nghiệp. Ở mình, công chức cứ ổn định, song tôi nghĩ những ai năng động chưa chắc vào công chức. Tôi và ông Phó Viện trưởng Viện tôi đều có con đi học nước ngoài, nhưng chúng không thích vào cơ quan nhà nước mà chọn thi vào làm ở doanh nghiệp nước ngoài. Tôi nghĩ, biết con cháu mình giỏi hãy động viên tham gia, chưa giỏi thì tư vấn chỗ nào yêu cầu thấp hơn. Cũng có nhiều người trẻ bây giờ tự thấy không đáp ứng được cũng tự rút, dù là “con ông, cháu cha”. Tôi cũng từng được một vị phu nhân giới thiệu hai đứa cháu, khoe rằng giỏi tiếng Anh, đi làm cho doanh nghiệp Hàn Quốc, tôi có trả lời bà phu nhân là thực sự giỏi sẽ bố trí ngay, thế là tự động rút lui. Thi công chức không khác gì thi đại học, số lượng tuyển có hạn, số lượng thi thì nhiều. Còn chắc chắn chỉ lấy mấy người mà tổ chức thi rộng rãi kiểu đó thì lãng phí xã hội là vấn đề phải tính đến, còn làm chân chính, khách quan thì thi tuyển rất tốt.
Cứ tiếp diễn như thế, con em nông dân sẽ không có cửa vào công chức? 
- Nếu tiêu cực thì đúng như thế, đây chính là hành vi vi phạm pháp luật, cao hơn là vi hiến, vì Hiến pháp đã khẳng định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội. Đã thi là phải bình đẳng, minh bạch, kết quả thi phải lấy từ cao xuống thấp thì con nông dân giỏi đương nhiên phải được vào. 
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm