Hiệp định EVIPA không đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi pháp luật trong nước

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, việc thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVIPA không đòi hỏi phải ban hành hay sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.

Thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Trình bày Tờ trình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 04 chương, 92 điều và 13 phụ lục.

Hiệp định EVIPA vừa tạo cơ hội vừa đặt ra thách đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. 

Trong đó, việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.  

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này, đồng thời cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Kiến nghị về việc phê chuẩn Hiệp định, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, Hiệp định có một số nội dung chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam nên theo quy định của Hiến pháp và Luật Điều ước quốc tế, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn Hiệp định. 

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ với các nội dung nêu trên, căn cứ quy định tại khoản 14 điều 70 Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định EVIPA trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Không đòi hỏi ban hành hay sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cam kết theo EVIPA

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định EVIPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Về đánh giá tác động của Hiệp định EVIPA, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Về kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, theo quy định tại Điều 4.13, Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày các Bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý được áp dụng của mình để Hiệp định này có hiệu lực. Như vậy, Hiệp định chỉ có hiệu lực khi Việt Nam, EU và tất cả các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn theo pháp luật của nước mình.

Về kiến nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định, để bảo đảm thi hành Hiệp định EVIPA, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp Trung ương để kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản cần thiết.

Về kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Hiệp định, những nội dung phân tích, đánh giá về mức độ tương thích của Hiệp định với quy định của pháp luật Việt Nam, trừ những quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài có liên quan đến EU và các thành viên EU thì việc thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định này không đòi hỏi phải ban hành hay sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. 

“Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. 

Để vượt qua được những thách thức cũng như có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVIPA và EVFTA , theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện sau: Nhóm giải pháp về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định; Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định; Nhóm giải pháp kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư. 

Bên cạnh những biện pháp từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng đối xử ưu đãi mà Việt Nam đạt được thông qua Hiệp định EVIPA và Hiệp định EVFTA.

Đọc thêm