Qui định liên quan “giá đất” có nhiều bất cập
HoREA cho rằng, sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Đất đai đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, một số chế định không còn phù hợp hoặc cần thiết được xây dựng mới. Cụ thể hơn, HoREA nhận định, điểm yếu nhất là công tác thực thi pháp luật đất đai, quy định các điều kiện và cơ chế thi hành Luật Đất đai của hệ thống các văn bản dưới luật.
Từ những nhận định trên, Hiệp hội đề xuất bỏ quy định “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần” tại Điều 113 Luật Đất đai và giao quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành “Bảng giá đất” và xác định giá đất cụ thể. Theo HoREA, việc này nhằm đảm bảo được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của địa phương. Đồng thời cần phải có quy định cách tính mức thu tiền sử dụng đất (SDĐ) đối với cá nhân, hộ gia đình phù hợp với khả năng tài chính khi xin cấp “sổ đỏ”.
HoREA cũng đề nghị thay đổi phương thức tính tiền SDĐ hiện nay để đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho, nhũng nhiễu tiêu cực. Về lâu dài, HoREA kiến nghị bổ sung khoản 2 (mới) vào Điều 107 Luật Đất đai: “Thu tiền SDĐ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành”.
Ngoài ra, HoREA còn kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện 4 phương pháp định giá đất (so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư) để xác định “giá đất cụ thể” theo Nghị định 44/2014. Nghị định này đang bộc lộ nhiều bất cập. Hiệp hội nhận thấy, kết quả thực hiện định giá đất theo phương pháp thu nhập và theo phương pháp thặng dư cho kết quả khá chênh lệch. Riêng cách tính theo phương pháp thặng dư đều cho kết quả theo hướng làm tăng doanh thu dự án, làm giảm chi phí thực mà chủ đầu tư (CĐT) đã bỏ ra, dẫn đến xác định tiền SDĐ cao hơn, không đúng với chi phí thực tế đã bỏ ra.
Hiến kế giảm giá thành mua nhà, đất ở
HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng bãi bỏ chế định thu tiền SDĐ mà chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển đổi mục đích SDĐ từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp hoặc thành đất ở, với thuế suất phù hợp để tạo điều kiện làm giảm giá thành bất động sản, nhà ở.
Cơ chế này cũng là cơ sở để xem xét ban hành luật thuế tài sản, bất động sản, không dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Thuế tài sản - bất động sản sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn. Người tiêu dùng có cơ hội hưởng lợi vì giá nhà ở có điều kiện giảm hơn so với trước. Lý do là hiện nay tiền SDĐ đang chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư, trên dưới 30% giá nhà phố và khoảng 50% giá biệt thự trong dự án.
Một số đề nghị của HoREA đưa ra nhằm làm giảm giá thành mà người tiêu dùng phải chịu khi mua nhà như thay đổi cách tính khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để tính tiền SDĐ dự án. Theo cách HoREA giải thích, hiện nay mức khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% chi phí bồi thường thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra.
Do vậy, doanh nghiệp gần như đã phải mua lại quyền SDĐ lần thứ hai khi nộp tiền SDĐ vào ngân sách nhà nước. Phần chi phí không được khấu trừ này không được tính vào chi phí doanh nghiệp nên doanh nghiệp lại phải chịu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.
Hiệp hội đề nghị điều chỉnh cách tính hệ số sử dụng diện tích sàn kinh doanh căn hộ của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, không tính doanh thu bãi giữ xe gắn máy, bãi giữ xe ô tô (phần không thuộc sở hữu của CĐT) vào doanh thu dự án. Bởi đây là nguồn thu của Ban quản trị chung cư chứ không phải là nguồn thu của CĐT...