Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cần vươn tới tự chủ, tự quản

(PLVN) -Chiều 7/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, lãnh đạo và một số cán bộ Cục Bổ trợ tư pháp.
Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cần vươn tới tự chủ, tự quản

Báo cáo của Hiệp hội cho thấy, do mới được thành lập nên hoạt động của Hiệp hội gặp khá nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, lúng túng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ tận tình của Cục Bổ trợ tư pháp nên đến nay, qua gần 1 năm hình thành, nhìn chung, một số công việc cơ bản của Hiệp hội cũng đã được khởi động và có kết quả bước đầu. Những kết quả này chưa nhiều song đã đặt nền móng ban đầu tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Hiệp hội.

 

Chủ tịch Hiệp hội Tuấn Đạo Thanh chia sẻ thêm một số khó khăn, vướng mắc hiện nay như còn 10 địa phương chưa thành lập được Hội Công chứng viên; các địa phương thực hiện rất khác nhau khi triển khai Luật Quy hoạch; việc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên rất hình thức và mỗi nơi mỗi khác… Từ những khó khăn trên, ông Thanh mong Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo để Sở Tư pháp đốc thúc thành lập sớm Hội Công chứng viên địa phương; ban hành tiêu chí mẫu liên quan đến quy hoạch để các địa phương thống nhất thực hiện; làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất bộ mẫu quy tắc bảo hiểm của công chứng viên áp dụng chung cho cả nước…

 

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, ông Thanh cho biết sẽ ban hành các quy chế tạo cơ sở pháp lý cho bộ máy Hiệp hội hoạt động thuận lợi; đại diện, bảo vệ quyền lợi của hội viên và kiểm tra, giám sát hội viên. Bên cạnh đó, sẽ đóng góp, xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động nghề; hướng dẫn thống nhất cơ sở dữ liệu công chứng; tham gia hợp tác về công chứng trong nước và quốc tế…

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến đề nghị Hiệp hội báo cáo thêm một số vấn đề, nội dung công việc, định hướng phát triển trong thời gian tới. Theo bà Yến, ý tưởng thành lập Hiệp hội có từ năm 2013 nhưng mãi đến đầu năm 2019 mới ra đời với sự chỉ đạo tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên kỳ vọng vào Hiệp hội là rất lớn. 

Cụ thể, bà Yến muốn làm rõ thêm mối quan hệ công tác giữa Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp hội, cách thức lề lối làm việc của Ban Thường vụ Hiệp hội, kiện toàn chức danh Tổng thư ký… Ngoài ra, về trọng tâm công tác 2020 cần tính toán ngay việc ổn định trụ sở, thực hiện quy định về bồi dưỡng bắt buộc nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, kết nạp hội viên.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận thấy Hiệp hội đã dần ổn định về tổ chức, hướng dẫn cho một số địa phương, tham gia một số hoạt động hợp tác quốc tế… Ghi nhận những đóng góp của Hiệp hội vào thành quả nói chung của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng cũng điểm lại và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội trong những ngày đầu thành lập.

Đối với phương hướng tới đây, Bộ trưởng nhấn mạnh phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và khẳng định những việc hỗ trợ được sẽ có ý kiến ngay. Cơ bản nhất trí với nhiệm vụ của Hiệp hội, Bộ trưởng nhấn mạnh phải xác định thứ tự ưu tiên trong sắp xếp nội bộ, các quy chế hoạt động; phát huy vai trò của người đứng đầu, Ban Thường vụ Hiệp hội, cần hết sức chủ động trong tổ chức thực hiện công việc, vươn tới tự quản. Ghi nhận các đề xuất hoàn thiện pháp luật về công chứng, Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp sẽ cố gắng tối đa trong quá trình thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật liên quan…

Đọc thêm