Hiểu biết pháp luật để xây dựng đạo pháp dân tộc

(PLO) - Từ tuần đầu tháng 9, không khí tại chùa Song Quỳnh (Phúc Lâm tự) ở thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. 
Hòa thượng Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hòa thượng Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Sáng 19/9, khi Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho tín đồ phật tử năm 2014 của tỉnh Bắc Ninh diễn ra, ngôi chùa như sống trong không khí của những ngày lễ lớn nhà Phật.
Trong 3 tiếng đồng hồ diễn ra hội nghị, các tăng ni phật tử không chỉ thấm nhuần những lời dạy luật trong Tam tạng kinh nhà Phật: “Không làm các việc ác. Năng làm các việc lành, giữ thân ý trong sạch. Ấy lời chư Phật dạy” mà còn hiểu cặn kẽ những quy định pháp luật cần thiết liên quan đến đời sống hàng ngày cũng như công việc tu hành. Đơn cử như câu chuyện hiến đất mở mang chùa. Tại hội nghị, nhiều trụ trì các chùa cho biết, giờ họ đã hiểu khi có dân, phật tử cúng dường đất, dù chỉ để mở mang khuôn viên chùa cũng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước, không nên tự ý cúng dường và nhận tùy tiện. 
Tương tự, tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An diễn ra vào đầu tháng 10,  trên 200 phật tử đại diện cho 7.200 phật tử huyện Yên Thành cùng các tăng ni đã được truyền đạt các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là việc ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái phép và mê tín dị đoan... 
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong giới tăng ni, phật tử diễn ra ở hầu khắp các địa phương, thì tại Hà Nội, mới đây Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã ký kết với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chương trình phối hợp tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và xây dựng ý thức văn hóa giao thông cho tăng ni, phật tử cả nước. 
Dân gian có câu: “Sư chùa như bùa của làng”, tuy chỉ là triết lý dân dã của cộng đồng nhưng qua đó có thể thấy vai trò điều hành, hướng dẫn tu tập, giữ gìn tam bảo, hoằng trì Phật pháp của các vị tăng ni, không chỉ mang tính chất tín ngưỡng mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, ảnh hưởng đến cộng đồng. Chính vì thế, việc tuyên truyền để giúp cho tăng ni, phật tử hiểu biết pháp luật góp phần xây dựng đạo pháp dân tộc là nhiệm vụ mà Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành luôn quan tâm thực hiện mà các thông tin trên đây đã minh chứng. 

Đọc thêm