Hiểu nhầm tai hại về việc ‘phải có tiền mới được hiến tạng’

(PLO) - Gần đây, có thông tin cho rằng phải tốn hàng chục triệu đồng chi phí cho việc xét nghiệm mới được phép hiến tạng. Thông tin này đã làm nhiều người có tâm nguyện đẹp bị nhụt chí. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Phúc thì đây chỉ là thông tin phiến diện, một sự hiểu nhầm tai hại.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

Trả lời phóng viên báo PLVN, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bộ Y tế) khẳng định: Các trường hợp tự nguyện hiến tạng sau khi bị chết não, sẽ không phải mất bất cứ chi phí nào.

Nếu việc hiến tạng được thực hiện, toàn bộ chi phí cho các xét nghiệm liên quan đến việc lấy tạng sẽ do bệnh viện chi trả. Không những không mất bất kỳ khoản tiền nào, mà người hiến tạng còn được truy tặng kỷ niệm chương, được hỗ trợ mai táng phí. Các chi phí hồi sức, cấp cứu trong giai đoạn người đó ở tại cơ sở y tế, cũng sẽ được miễn phí, như một sự đồng cảm, chia sẻ với gia đình. 

Ông Phúc chia sẻ thêm: Tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều khẳng định việc hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, hết sức nhân văn. Bất kỳ  ai cũng nhận thức được điều đó khi họ đặt bút ký vào đơn hiến tạng.  Và khi có bất kỳ người  nào đó được mong muốn hiến tạng, Trung tâm đều tiếp nhận và rất trân trọng nghĩa cử đó. 

Đơn đăng ký hiến tạng là cơ sở pháp lý thể hiện tâm nguyện của người muốn hiến tạng. Rằng, giờ phút này tôi đang khỏe mạnh, tôi đủ năng lực hành vi dân sự,  tôi mong muốn chia sẻ một phần cơ thể của tôi sau khi tôi qua đời.  

“Một nghĩa cử đẹp như thế, đáng trân trọng như thế mà ai đó nói đi đăng ký hiến tạng phải mất tiền, thì đó là một điều  không tưởng tượng nổi.” – ông Phúc khẳng định. 

Về thông tin trường hợp hiến tạng phải đóng tiền chi phí xét nghiệm, ông Phúc cho biết: Có hai trường hợp hiến tạng. Thứ nhất là tự nguyện đăng ký hiến tạng trong trường hợp người chết não hoặc người đã chết.  Trường  hợp thứ 2 là đăng ký hiến tạng khi bản thân người đó còn sống.

Ông Phúc nhấn mạnh: Nếu một ngày nào đó không may chúng ta qua đời,  chết não mà chúng ta đã đăng ký hiến tạng thì ngành y tế sẽ tiếp nhận tạng đó  và trong toàn bộ câu chuyện hiến tạng này, gia đình không mất bất kỳ một khoản chi phí nào.  

Còn đối  với việc hiến tạng khi còn sống, như hiến một quả thận, một phần lá gan, một lá phổi, trường hợp này, thường là  hiến cho người thân trong gia đình, hai là người hiến vô danh, vô vu lợi, thì phải có các xét nghiệm để sàng lọc xem có thể thực hiện được việc hiến tạng không. Hiện nay theo quy định của Luật, các chi phí xét nghiệm này do người hiến chi trả.

“Đối với chuyện người thân trong gia đình cho nhau tạng, thì việc xét nghiệm xem có đủ các chỉ số hòa hợp hay không, là việc làm hết sức bình thường. Và họ phải tự bỏ tiền để chi trả cho phí xét nghiệm. Muốn hiến máu cho người thân, cũng phải kiểm tra xem nhóm máu đó có hợp hay không? Muốn cho phải biết thứ mình cho có phù hợp hay không?” – ông Phúc nói.

Đối với trường hợp hiến tặng vô danh, vô vụ lợi, ông Phúc thừa nhận việc những người này  phải bỏ tiền ra để chi trả cho các xét nghiệm thực sự là một vấn đề khiến nhiều người phải băn khoăn.

Tuy nhiên, theo vị Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện chưa thể có giải pháp hợp lý cho vấn đề này. “Chúng tôi đã đặt ra vấn đề khi  làm Luật. Ban soạn thảo đã  tính rằng nếu chúng ta quy định ngân sách nhà nước lo tất  cả thì sẽ phát sinh những lỗ hổng. Ví dụ như nhiều người đến đăng ký hiến, nhưng sau đó vì lý do gì đó mà họ không hiến nữa, có thể có cả những động cơ không trong sáng, thì  ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Các nước trên thế giới cũng không làm như thế.”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng chia sẻ thực tế, từ lúc thành  lập Trung tâm, số lượng người đăng ký hiến vô danh, vô vụ lợi rất ít, chỉ có 5 trường hợp.

“Có người cho rằng, nếu chúng ta không quy định, sẽ thiệt thòi cho những người này. Nhưng cũng có người cho rằng nếu không có hàng rào, giám sát khả thi thì sẽ bị lợi dụng kẽ hở, giống như việc lợi dụng bảo hiểm y tế hiện nay.”

Ông Phúc cũng cho biết, mặc dù ngành y tế Việt Nam cũng như trên thế giới, không khuyến khích việc hiến tạng khi còn sống, nhưng Luật pháp Việt Nam vẫn có chế độ để  vinh danh những người hiến tạng tình nguyện vô danh, vô vụ lợi.

Theo đó, bất kỳ người hiến tạng khi  còn sống, sẽ được tặng kỷ  niệm chương vì sức khỏe nhân dân – một danh hiệu cao quý mà  người cán  bộ y tế cống hiến cả một đời trong ngành mới được tặng;  Người hiến tạng cũng sẽ được chăm sóc sức khỏe miễn phí sau khi hiến cho đến khi bình phục; Được tặng thẻ BHYT miễn phí suốt đời; Được khám sức khỏe định kỳ hàng năm, trong quá trình đi khám sức khỏe định kỳ, nếu ở xa, còn được thanh toán chi phí khám đi lại, ăn nghỉ theo quy định. Ngoài  ra, nếu không may người hiến tạng bị suy tạng, sẽ là người được ưu tiên tiếp nhận nguồn tạng. Đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp đó của người hiến tạng, luôn được xã hội, cộng đồng tôn vinh, trân trọng./.

Đọc thêm