Khẳng định trí tuệ nền CNQP Việt Nam
Tổng kết thành quả sau khi ký kết Quy chế phối hợp, Tổng cục CNQP đã chủ trì, phối hợp Viettel và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành nghị quyết, luật, đề án, chương trình, kế hoạch và các cơ chế, chính sách phát triển CNQP; công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật và bảo đảm vật tư quốc phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng; xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Trong đó, nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất cải tiến trang bị khí tài kỹ thuật và vật tư quốc phòng được hoàn thành xuất sắc với nhiều điểm nổi bật.
Thời gian qua, những sản phẩm do Viettel tự nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các sản phẩm chiến lược, đã, đang và sẽ góp phần tạo nền móng để xây dựng nền CNQP Việt Nam chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; phát huy nội lực là yếu tố quyết định; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Nhiệm vụ nghiên cứu khí tài công nghệ cao giúp bảo vệ đất nước từ xa đã đến giai đoạn nghiệm thu cuối, tiến tới kết thúc đề tài nghiên cứu trong năm 2024. Viettel cũng tham gia sản xuất trang bị nhằm tăng tính sẵn sàng chiến đấu, tăng cường tính tác chiến, chính xác của QĐND Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ các sản phẩm quốc phòng, Viettel đã tham gia phát triển nhiều sản phẩm hỗ trợ quốc phòng như thiết bị điện tử, cơ khí chính xác, thiết bị huấn luyện…
“Hệ thống của Viettel khẳng định trí tuệ nền CNQP Việt Nam” là khẳng định của Thượng tá Lưu Hồ Anh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Quản lý Dự án VQ2 khi nhắc đến hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia (VQ) do Viettel nghiên cứu.
Hệ thống VQ được xem là công nghệ đột phá, là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia. VQ được Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp
Viettel phát triển. Đến nay, trên thế giới chỉ có khoảng 10 quốc gia tự chủ, phát triển hệ thống này.
Với hệ thống VQ, người chỉ huy có thể quan sát thấy toàn cảnh trên không của Việt Nam. Hiện một ngày thông thường, mật độ các chuyến bay trên vùng trời nước ta khoảng 4.000 - 5.000 chuyến bay. Ngoài ra, còn có các chuyến bay không nằm trong kế hoạch và dự báo bay của không quân các nước, nhất là chuyến bay trên khu vực Biển Đông hoặc vùng trời tiếp giáp. Hệ thống VQ không chỉ là cho phép quan sát và quản lý tất cả phương tiện bay trên vùng trời Việt Nam, mà còn hỗ trợ đắc lực người chỉ huy điều hành tác chiến tức thời.
Viettel và Tổng cục CNQP cũng đã cùng đạt nhiều kết quả ấn tượng trong nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Điển hình là Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, nơi giới thiệu năng lực CNQP Việt Nam, mở ra cơ hội xuất khẩu và hợp tác nghiên cứu. Từ các quan hệ được thiết lập qua các triển lãm và diễn đàn, Tổng cục CNQP đã hỗ trợ Viettel quảng bá năng lực xuất khẩu tại Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, Viettel đã ký hợp đồng triệu đô với Philippines về xuất khẩu hệ thống mô phỏng, huấn luyện bắn súng.
Nhiều nhiệm vụ trong chương trình phối hợp giai đoạn 2025 - 2030
|
Kỹ sư Viettel kiểm tra một sản phẩm CNQP công nghệ cao. (Ảnh trong bài: Lam Hạnh) |
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2021 - 2024 và ký kết chương trình phối hợp đến năm 2030 trong lĩnh vực CNQP, Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội
Viettel đều đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong triển khai Quy chế phối hợp giữa hai bên trong thời gian qua, nhất là trong công tác tham mưu xây dựng phát triển CNQP, nghiên cứu khoa học - công nghệ, sản xuất vũ khí trang bị, UAV, tàu quân sự…
Thiếu tướng Tào Đức Thắng nhấn mạnh: “Tổng cục CNQP vừa là cấp trên của Viettel, trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách, đồng thời cũng là những đối tác trong việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo trang thiết bị. Với sự giúp đỡ của các đồng chí, nhiều sản phẩm đã bước sang giai đoạn sản xuất hàng loạt, sẵn sàng trang bị cho Quân đội”.
Người đứng đầu Viettel bày tỏ kỳ vọng có thể cung cấp nhiều dịch vụ chuyển đổi số hơn cho Tổng cục nhằm hiện đại hóa trong việc quản lý các nhà máy, tăng năng suất; đồng thời phân phối các sản phẩm dân dụng của Tổng cục tại mạng lưới điểm bán rộng khắp Viettel trên thế giới.
Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP nhấn mạnh: “Viettel và Tổng cục CNQP không chỉ đề xuất chủ trương mà còn hiện thực hóa. Chúng ta rất nỗ lực trong quá trình đề xuất nội dung, ý kiến xây dựng luật. Và với tinh thần phối hợp nhịp nhàng, nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về CNQP đã được thông qua. Tuy nhiên, cả Tổng cục và Viettel còn nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong tương lai”.
Chương trình phối hợp giai đoạn 2025 - 2030, Tổng cục CNQP và Viettel xác định tiếp tục phối hợp trong xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách phát triển CNQP; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật và bảo đảm vật tư quốc phòng; tổ chức, tham gia các triển lãm quốc phòng quốc tế, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm CNQP; các hoạt động trao đổi, hợp tác; đào tạo, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu phát triển các sản phẩm dân sự và lưỡng dụng; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin…