Sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Tạo điều kiện để sĩ quan phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống

(PLVN) -  Việc sửa đổi Luật Sĩ quan (LSQ) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đặc biệt là tăng tuổi công tác, góp phần hoàn thiện chế độ chính sách với SQ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện để SQ phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật. (Ảnh: qdnd.vn)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật. (Ảnh: qdnd.vn)

Một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung

Trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội vừa nghe Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LSQ QĐND Việt Nam.

LSQ QĐND Việt Nam là cơ sở pháp luật quan trọng hàng đầu để xây dựng đội ngũ SQ QĐND, nhưng hiện nay Luật này đang có một số bất cập. Tờ trình cho biết, LSQ QĐND Việt Nam hiện hành (Điều 11) chỉ quy định 11 chức vụ cơ bản của SQ là cấp trưởng, không quy định chức vụ cơ bản là cấp phó, nên chưa cụ thể hóa các chức danh, chức vụ theo quy định của Bộ Chính trị; chưa quy định đầy đủ các chức danh, chức vụ có thẩm quyền chỉ huy, quản lý trong QĐND; nên chưa khẳng định được vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của chức vụ có thẩm quyền và phân định quyền hạn cấp trên, cấp dưới trong chỉ huy, điều hành, chấp hành điều lệnh, điều lệ, kỷ luật QĐND.

Bên cạnh đó, Điều 13 LSQ QĐND Việt Nam quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của SQ (cấp úy 46; Thiếu tá 48; Trung tá 51; Thượng tá 54; Đại tá nam 57, nữ 55; cấp tướng nam 60, nữ 55) chưa tận dụng được nguồn nhân lực có bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận SQ khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Ngoài ra, khoản 1 Điều 15 LSQ QĐND Việt Nam quy định cấp bậc quân hàm cao nhất với chức vụ, chức danh của SQ là cấp tướng; tuy nhiên, một số đơn vị đã có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và được điều chỉnh chức danh, chức vụ nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật.

Một số nội dung của Luật về tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương SQ trước thời hạn, phong quân hàm SQ dự bị; chế độ nghỉ của SQ và một số chính sách về BHXH, nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe… quy định chưa cụ thể nên hiệu quả triển khai thực hiện luật chưa cao.

Từ những vấn đề trên, Bộ trưởng BQP nhấn mạnh việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LSQ QĐND Việt Nam là cần thiết.

“Việc sửa đổi bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động 2019 về độ tuổi nghỉ hưu, bảo đảm cho SQ tham gia đóng BHXH đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo Luật BHXH”.

“Đặc biệt, không lãng phí nguồn lực đào tạo đang ở độ chín của công việc, nhất là cấp thiếu tá, trung tá, những chuyên gia trên các lĩnh vực nhằm giữ gìn, phát huy được đội ngũ SQ có năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh… cũng như tiết kiệm được ngân sách đào tạo bổ sung vào nguồn SQ dự bị thay thế các SQ dự bị hết tuổi phải giải ngạch”, Đại tướng Giang nhấn mạnh.

Tổng số SQ cấp tướng tại ngũ không quá 415

Chính phủ đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của SQ QĐND ở hầu hết cấp bậc quân hàm, từ 1 - 5 tuổi. Theo dự thảo, hạn tuổi cao nhất của SQ phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là: cấp úy 50 tuổi, Thiếu tá 52, Trung tá 54; Thượng tá 56, Đại tá 58; cấp tướng 60. Khi QĐND có nhu cầu, SQ có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định không quá 5 năm.

SQ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt; có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng BQP.

Theo dự thảo, tổng số SQ cấp tướng tại ngũ trong QĐND không quá 415. Trong đó, số lượng Đại tướng không quá 3 người, gồm: Bộ trưởng BQP, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT).

Thượng tướng, Đô đốc Hải quân có số lượng không quá 14, gồm: Thứ trưởng BQP có cấp bậc quân hàm cao nhất Thượng tướng, Đô đốc Hải quân không quá 6; Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm TCCT: Mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng không quá 3; Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân có số lượng không quá 398.

SQ biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng; nếu giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng; giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng.

Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất với chức vụ, chức danh của SQ là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ; nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cấp bậc quân hàm cao nhất với chức vụ, chức danh của SQ là cấp tá, cấp úy do Bộ trưởng BQP quy định.

Trung tá Trần Ngọc Tiến, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 974, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Quá trình công tác hơn 20 năm trong QĐND, từ đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chuyển về đơn vị bộ đội địa phương, tôi nhận thấy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LSQ QĐND Việt Nam lần này có nhiều điểm mới mang lại nhiều tác động tích cực.

Với cán bộ sẽ có thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm nhận những vị trí lãnh đạo quan trọng hơn. Với thời gian công tác dài hơn, SQ sẽ có mức lương cao hơn, nhất là với những SQ mang quân hàm Thiếu tá, Trung tá, bảo đảm cuộc sống ổn định hơn sau khi nghỉ hưu, điều này cũng phù hợp với Bộ luật Lao động và Luật BHXH.

Việc tận dụng kinh nghiệm của những SQ có nhiều năm công tác giúp giảm thiểu chi phí đào tạo cán bộ. Quá trình hoàn thiện chế độ chính sách với SQ trong dự án Luật quy định rõ hơn một số vấn đề như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ BHXH, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe… tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện để đạt được những thành tích cao hơn. Trong đó, quy định về bảo đảm chế độ nhà ở giúp đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tập trung vào nhiệm vụ chính trị. Khi các chế độ chính sách tốt sẽ thu hút những người có tài, năng lực, có trình độ vào làm việc trong QĐND”.

Đọc thêm