Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật GDĐH) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, ông nhận thấy Luật này mang lại những thách thức, thuận lợi nào với lộ trình tự chủ của trường?
- GS.TS. Nguyễn Quý Thanh: Có thể nói, Luật GDĐH tiếp tục thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về việc phân quyền triệt để từ cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Với những điều khoản đã được thông qua, “sân chơi” và sự cạnh tranh của các trường ĐH trong nước và các phân hiệu trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam bình đẳng hơn.
Trước đây có nhiều nhóm trường với các mức tự chủ rất khác nhau, như các trường thực hiện Nghị quyết 77 về đổi mới cơ chế quản lý; các trường ĐH xuất sắc (như Trường ĐH Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật) với quy chế do Thủ tướng ban hành, các trường trong các ĐH Quốc gia; các trường thuộc các bộ, các tỉnh thành.
Ngoài ra là các trường quốc tế như kiểu RMIT của Australia. Chính sự khác biệt về mức độ tự chủ này tạo ra sự cạnh tranh chưa thật công bằng. Việc ban hành luật sửa đổi góp phần giải quyết căn bản điều này.
Như vậy, có thể nói, luật sửa đổi này đã tháo gỡ nhiều rào cản cho sự phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội cho các trường ĐH của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc mở rộng quyền tự chủ cũng sẽ giúp các trường ĐH phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong việc đào tạo, nghiên cứu và đóng góp cộng đồng.
Tuy nhiên, các vấn đề của tự chủ ĐH lại không chỉ được quy định riêng trong luật giáo dục ĐH mà còn bị chi phối bởi nhiều luật hoặc các quy định pháp luật khác nữa. Thí dụ, với một trường ĐH công lập, vấn đề tuyển dụng, sử dụng nhân lực còn phải theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Vấn đề ngân sách, tài sản Nhà trường còn phải tuân thủ Luật ngân sách, Luật đầu tư công.
Chính vì vậy, cần có sự điều chỉnh các luật tương ứng, hoặc cần có thêm hướng dẫn, về cơ chế giải quyết những xung đột trong các quy định thì việc “cởi trói” sẽ thực sự hiệu quả.
Theo luật mới, Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu là nhà nước (đối với trường công) hoặc nhà đầu tư (đối với trường tư) và các bên có lợi ích liên quan. Trong khi đó, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập do Hội đồng trường quyết định và thực thi các nhiệm vụ do Hội đồng trường giao. Ông có nhận định thế nào về quy định này?
- GS.TS. Nguyễn Quý Thanh: Việc tăng cường vai trò và quyền lực của trường ĐH là xu thế đi kèm với quá trình phân quyền, giảm vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản. Khi “trao quyền” cho trường ĐH, luật trao cho một thực thể là “Hội đồng trường” theo nguyên tắc quản trị chia sẻ.
Việc này để tăng cường sự tham gia của các bên, đồng thời tránh việc tập trung quyền lực vào một cá nhân Hiệu trưởng. Cơ chế này sẽ rất tốt khi Hội đồng trường thực sự mạnh, có đủ năng lực thực thi. Việc Hội đồng trường có quyền bầu Hiệu trưởng chỉ là một trong các chức năng và nhiệm vụ. Điều quan trọng hơn là Hội đồng trường phải đủ năng lực định hướng cho sự phát triển của Nhà trường về mọi mặt, từ phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và có các giải pháp về nguồn lực để thực hiện các chiến lược đó.
Nếu Hội đồng trường đề ra những chính sách rất hay nhưng không có những cơ chế, giải pháp về nguồn lực thì Hiệu trưởng giỏi đến mấy cũng không thực hiện được. Đây là vấn đề cần tính toán kỹ vì Hội đồng trường của trường ĐH công lập của Việt Nam được tạo thành từ rất nhiều thành phần trong và ngoài trường nhưng lại không gắn với trách nhiệm cụ thể.
Tôi cho rằng, giai đoạn đầu, việc phối hợp giữa các cơ cấu quyền lực đã có trong các trường công lập (Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu) có thể chưa thực sự “mượt mà”. Cũng có thể có những sự chồng chéo, thậm chí xung đột nhất định. Tuy nhiên, xu thế phân quyền cho Hội đồng trường là tất yếu.
Ông đánh giá như thế nào về dấu mốc 1/7/2019 với giáo dục ĐH Việt Nam và trường ĐH nơi ông đang công tác nói riêng?
- GS.TS. Nguyễn Quý Thanh: Việc triển khai trao quyền tự chủ cho các trường ĐH được thực hiện từng bước từ khá lâu. Việc thành lập hai ĐH Quốc gia từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước là đi theo hướng đó.
Khi đó, trong nghị định thành lập ĐH quốc gia nêu rõ là thực thể này có quyền “chủ động cao” trong các hoạt động. Có những trường cũng đã được thực hiện tự chủ, nhất là về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP và 16/2015/NĐ-CP về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra còn có những quyết định của Thủ tưởng, Nghị quyết của Chính phủ về việc này.
Tuy nhiên, Luật GDĐH có đóng góp to lớn khi thể chế hóa những quy định riêng rẽ thành một tổ hợp các quy định cho giáo dục ĐH. Vì vậy, nếu như các quy định trước đây giống như “bước chạy đà”, thì ngày 1/7/2019 theo tôi giống như “động tác giậm nhảy” của những người nhảy xa. Còn việc nhảy xa đến đâu lại phụ thuộc nhiều vào sự đồng bộ của chính sách, năng lực của lãnh đạo trường (gồm cả Hội đồng trường). Cơ hội đã mở ra, nắm bắt và thành công được hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính họ.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.