Lớp học xóa mù chữ của thiếu tá Tưởng được hình thành từ năm 2004 khi anh về Đồn Biên phòng Cầu Bóng công tác và được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước. Lớp học là nhà văn hóa tổ dân phố Trường Phúc 19.
Đúng 19h30, cả khu phố đã chìm vào yên lặng, khác hẳn với sự nhộn nhịp vào ban ngày. Không tiếng ti vi, không tiếng nhạc và không tiếng người, tiếng xe qua lại. Có lẽ, người dân ở đây đã dành tặng cho thầy, trò anh Tưởng sự im lặng đáng quý ấy để thầy, trò tập trung vào việc dạy và học.
Trò chuyện với chúng tôi, thiếu tá Tưởng cho biết: “Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhiều em bố mẹ đi tù do vi phạm pháp luật, bố mẹ bỏ nhau hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Từ nhỏ, các em đã phải phụ giúp gia đình kiếm sống bằng việc bưng bê ở các nhà hàng, bán vé số dạo, làm việc ở quán bi da… Hơn nữa, địa bàn phường Vĩnh Phước vốn nổi cộm về mất trật tự an toàn xã hội nên các em rất dễ sa ngã. Mong muốn các em biết được con chữ để học điều hay, lẽ phải, sống có ích cho xã hội nên tôi đã đề xuất ý kiến với chỉ huy đồn và chính quyền địa phương cho mở lớp học”.
Thời gian đầu, thiếu tá Tưởng trực tiếp cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương đến từng gia đình vận động cho các em đi học. Người đóng góp sách cũ, người cho tập vở mới… làm đồ dùng học tập cho các em.
Do đã quen với cuộc sống tự do nên khi vào lớp, các em khá bướng bỉnh và khó bảo. Không những thế, độ tuổi của các em không đồng đều nên các em lớn tuổi thường tỏ ra ái ngại khi ngồi chung lớp với các em nhỏ. Vậy là người thầy mang quân hàm xanh này phải nói chuyện, động viên từng em và đôi khi phải rất nghiêm khắc. Cùng với đó, anh còn phải có giáo án riêng cho từng em và kiên trì từng bước chỉ bảo các em.
Gần 15 năm làm “nghề tay trái”, thiếu tá Tưởng vẫn còn nhớ như in cậu học trò Nguyễn Văn Tân (ngụ tổ dân phố Trường Phúc 19). Theo đó, gia đình Tân rất khó khăn, bố mẹ làm nghề tự do, nhà đông anh em nên Tân không được đi học. Khi anh đến vận động Tân đi học, em không đi và còn nói xấu anh. Anh kiên trì đến nhà vận động và thông qua bạn bè của Tân ở lớp, sau khoảng 3 tháng thì Tân đến lớp xin học.
“Mới đầu, Tân còn ngượng ngùng và khó hòa đồng với thầy, với bạn. Tôi và các em trong lớp thường xuyên gần gũi, động viên Tân nên sau một thời gian, em đã ngoan hơn và chăm chỉ học hành. Nay Tân đã 22 tuổi, theo tàu đánh cá lênh đênh trên biển nhưng mỗi khi rảnh rỗi, Tân vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe của tôi, tình hình lớp học, có khi còn mời tôi đi uống cà phê tâm sự”, thiếu tá Tưởng bộc bạch.
Đến với lớp học của thầy Tưởng, các em không chỉ biết về kiến thức, kỹ năng sống mà còn trở nên tiến bộ hơn về đạo đức, lối sống. Nhiều em được cảm hóa trở nên ngoan ngoãn, không phá phách nghịch ngợm, không bỏ nhà phiêu dạt hay vi phạm pháp luật. Đến nay, thấy được hiệu quả từ lớp học, nhiều gia đình đã tự xin cho con tới lớp, bản thân trẻ khi tới lớp cũng tự giác không phải thúc giục, kêu gọi đến lớp theo từng ngày.
Ngoài giờ lên lớp, thiếu tá Tưởng còn tổ chức cho các em tham gia vào “Câu lạc bộ Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa tổ chức, tạo điều kiện để các em được giao lưu với trẻ em các địa phương khác; tổ chức chơi bóng đá, cầu lông, tham gia biểu diễn văn nghệ; tìm hiểu pháp luật, phòng chống ma tuý, phòng chóng HIV/AIDS…
Lớp học xóa mù chữ này đã tồn tại duy trì 13 năm liên tiếp và thiếu tá Tưởng vẫn lên lớp đều đặn hàng tối từ thứ 2 đến thứ 6. Hàng năm, các em đều được thi, kiểm tra chất lượng theo kế hoạch của Phòng Giáo dục TP.Nha Trang, kết quả 100% học sinh đều đạt yêu cầu.
Đối với người thầy mang quân hàm xanh này, niềm hạnh phúc lớn nhất, nguồn động viên lớn nhất là sự trưởng thành của những học trò, cũng như việc bồi đắp ước mơ giúp đám trẻ nghèo tự tin hơn trên con đường hướng đến tương lai. “Tôi là bộ đội mà, cố gắng và bớt chút thời gian riêng tư để các em có một tương lai tươi sáng hơn thì đáng để cố gắng lắm chứ”, thiếu tá Tưởng tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, cho biết: “Thầy Tưởng không quản mưa gió, thường xuyên bám lớp, bám trò, mang cái chữ đến cho trẻ em nghèo ở địa phương. Nhiều em học sinh sau khi học lớp của thầy Tưởng đã được công nhận phổ cập tiểu học và một số em được chuyển đến Trường THCS Nguyễn Khuyến để tiếp tục tham gia lớp phổ cập giáo dục THCS. Không những thế, tệ nạn xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn đã giảm rõ rệt. Có thể nói, những đóng góp về công tác phổ cập giáo dục xoá mù chữ do của thầy Tưởng đã góp phần vào thành tích chung về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Với những đóng góp về công tác chuyên môn và gắn bó địa bàn xây dựng “trận địa lòng dân”, năm 2009 - 2010, thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng được Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy Khánh Hòa tặng Bằng khen trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.