Xin chào luật sư Hoàng Tùng, trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, HN trở lại với chương trình “Trò chuyện cùng luật sư” được phát thanh trên báo Pháp Luật Việt Nam hôm nay.
Luật sư chào quý thính giả của chương trình.
1.Thưa anh, mới đây đã xẩy ra một vụ việc rất đáng buồn đối với những người làm báo. Đó là vụ việc hai phóng viên của báo Pháp Luật Việt Nam bị cản trở khi đang tác nghiệp, bị đe dọa, lôi kéo, xô đẩy, và bị thu giữ, vò nát giấy tờ, tài liệu tác nghiệp khi tới liên hệ làm việc với cơ sở thẩm mỹ viện Tấm, địa chỉ số 3B Thi Sách, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, HN.
Cụ thể là ngay sau khi phóng viên xuất trình giấy tờ, và trao đổi nội dung làm việc, đã bị một đối tượng trong cơ sở thẩm mỹ này xông tới với thái độ hung hãn và thực hiện những hành vi côn đồ như: thách thức, sử dụng những ngôn từ không chuẩn mực, rồi tự ý túm áo nữ phóng viên lôi ra. Do nhận thấy thái độ hung hãn, có nguy cơ mất kiểm soát, hai phóng viên đã rời đi, tuy nhiên khi cầm lại các giấy tờ (tài sản của báo PLVN), đối tượng đã cướp lại trên tay của 1 phóng viên và vò nát.
Vụ việc cũng đã được Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng bảo vệ hai phóng viên của báo Pháp Luật Việt Nam nói riêng, và quyền hành nghề hợp pháp của Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nói chung. Xin luật sư cho biết, với thái độ coi thường pháp luật như vậy, đối tượng này đã vi phạm những gì, thưa LS?
Như đã biết thì cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như có vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin, phản ánh các thông tin, sự kiện xã hội chính xác nhất đến công chúng, góp phần ổn định chính trị, phát triển mọi mặt đời sống xã hội.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy, Luật Báo chí 2016 đã thể hiện rõ việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cũng bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo…
Vậy thì đối với hành vi của đối tượng nêu trên, đối tượng này đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Cụ thể:
Theo khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”
Tại khoản 4 Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin”.
2.Những hành vi vi phạm của người này sẽ được xử lý cụ thể ra sao, thưa LS!?
Theo quy định tại Điều 15 Luật tiếp cận thông tin năm 2016 quy định về xử lý vi phạm: “1. Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
...”
Những hành vi vi phạm của đối tượng nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm. Theo quy định tại Điều 7 quy định về mức xử phạt đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;
b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
4.Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Đồng thời, đối tượng có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 điều này, đó là:)
a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.”
3.Vâng, đó là hình thức xử lý đối với cá nhân đối tượng này, vậy còn đối với cơ sở thẩm mỹ viện Tấm thì sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới như thế nào, thưa LS, bởi sự việc diễn ra ngay bên trong cơ sở thẩm mỹ này?
Pháp luật hiện hành chỉ quy định về hình phạt đối với đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cần xem xét đối tượng thực hiện hành vi vi phạm trên có phải là người của thẩm mỹ viện Tấm hay không? Khi thực hiện hành vi là do chủ ý cá nhân của người đó hay có sự chỉ đạo của cấp lãnh đạo viện. Trong trường hợp đối tượng này là nhân viên của viện và thực hiện hành vi trên do chỉ đạo từ cấp trên thì lãnh đạo viện cũng sẽ liên đới chịu trách nhiệm và bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xin cảm ơn luật sư Hoàng Tùng đã đồng hành cùng chương trình hôm nay. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.